Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Từ Một Chuyến Đi



       Được sinh ra làm người là may mắn, được ăn được học là điều may mắn, được tiếp thu giáo lý Phật Đà với hạnh Từ Bi làm nền tảng là điều may mắn, và hạnh phúc thay khi xã hội bên ngoài lúc người ta sống không cần tình người, sẵn sàng bất chấp đạo đức để giành giật, chiếm đoạt và hãm hại nhau để sống, thì những người em của tôi tại GĐPT TT, đã đem niềm vui ( Từ ) đến với những hoàn cảnh khốn khó trong cuộc sống ( Bi), mặc dù các em mới đi làm, có em còn ngồi trên ghế nhà trường, tiền bạc các em còn hạn chế, nhưng ý tưởng làm một việc gì đó có ích cho mọi người, để các em cùng ngồi lại với nhau, cùng góp sức và chút vật chất của riêng mình, cũng như đi vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp đóng góp cho các đợt từ thiên giúp đồng bào nghèo khó, trẻ mồ côi, người già, người tàn tật tại các trung tâm bảo trợ, và các vùng sâu vùng xa là những hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm của các em trước cuộc sống, biết quan tâm đến mọi người, biết dành thời gian tiền bạc cho những công việc có ích, giúp người giúp đời và cũng là giúp mình nhân rộng tình thương, đó là tình người trong khó khăn thể hiện đạo lý “ lá lành đùm lá rách “ và hơn cả là các em đã lớn hơn và trưởng thành hơn trong cuộc đời.
       Thấy mấy anh chị em bàn bạc, lên kế hoạch, rồi gọi điện, chạy đi từng nơi để vận động, thấy các em chở về những bao gạo, thùng mì, những túi áo quần cũ, rồi thì ngồi sắp xếp cho vào từng túi nhỏ mới thấy được sự vất vả và tinh thần của anh chị em. Có những em nhỏ còn là học sinh sinh viên, nhưng khi biết hoạt động của anh chị mình dù ở xa cũng chạy về đóng góp, có những người thân, bạn bè ,anh chị em khác khi được vận động đã tích cực hưởng ứng, rồi giúp đỡ cho hoạt động từ thiện cũng như giúp thuê xe, ủng hộ tiền xe, nước uống cho chuyến đi, đó là những điều động viên và khích lệ anh chị em chúng tôi trong các hoạt động từ thiện vừa qua và sắp tới, chúng tôi thành tâm cám ơn sự hỗ trợ, đóng góp tinh thần cũng như tịnh tài của quý cô bác, quý đòng nghiệp, anh chị em, nguyện cầu chư Phật ban Phước lành, an lạc đến quý vị, và cầu chúc quý vị có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.
 Đây là đợt từ thiện thứ ba của nhóm (vào ngày 02/12/2012), đợt này nhóm đến phát quà tại 1 xã vùng sâu của huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai, nơi nhà cửa thưa thớt, cuộc sống bà con còn nghèo nàn, theo lời Thầy Thích Nguyên Tấn, một vị sư tại địa phương thì bà con ở đây chuyên làm nông, làm thuê là chính, nhiều hộ làm không đủ ăn, cái nghèo cái đói vẫn còn bám theo dai dẳng, có nhiều hộ neo đơn, bệnh tật, bà con cần cái ăn là chính. Nên đợt này nhóm từ thiện đã mang đến 60 phần quà ( mỗi phần gồm 10 kg gạo, 1 thùng mì gói và một túi nhỏ quần áo cũ ), đến địa phương nhò Thầy cùng với hội Chữ Thập Đỏ xã, để trao tận tay cho bà con. Thấy được niềm vui trong ánh mắt của bà con khi nhận quà, thấy những cụ già không bê nổi phần quà, nhận tiếng nói cám ơn giọng run run xúc động của những người nhận quà mà thấy mình nhỏ bé và cũng thấy những hoạt động này là cần thiết cho người dân và cũng cho chính mình. Ngoài việc trao quà tận tay cho bà con, anh chị em còn giúp bà con bê quà ra xe đạp để chở về, bác tài cũng giúp bà con buột quà vào xe. Cuối ngày khi về đến TP, bác tài nói “lần sau đi gọi tui, tui chở cho, tui rất thích những hoạt động như thế này, rất có ích” . Vâng những hoạt động này rất có ích cho người, cho đời và cho mình.


Bê giúp em nào

Niềm vui của cụ cũng là của chúng con

chụp ảnh kỷ niệm với Thầy Tấn


Đi xe này vui lắm pà kon à !!

( hình được lấy từ Face của Ngọc - ai co hình hôm đó gửi cho anh nhé ! )       - Mục Đồng

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Suy ngẫm về chữ Nhẫn

Suy ngẫm về chữ Nhẫn

Tư tưởng Nhẫn là kim chỉ nam trong phương pháp tu tập và định hướng hành đạo của Phật tử, kể cả xuất gia và tại gia. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đề cập đến chữ Nhẫn, ngõ hầu bạn đọc cùng suy ngẫm nhân ngày Xuân mới. Hàm ý của chữ Nhẫn
Chữ 忍 phiên âm Hán - Việt là Nhẫn, được cấu thành bởi bộ Tâm và bộ Đao. Theo nghĩa thông thường, Nhẫn là sự nhịn, sự nín và là sự chịu đựng. Với ý nghĩa này thì chữ Nhẫn đối trị lại sự nóng giận, oán thù và sự vô minh. Như vậy, chữ Nhẫn ở đây bao hàm sự chịu đựng trước những hoàn cảnh bất lợi khác nhau. Thấm nhuần ý nghĩa này thì mỗi con người sẽ tự giác ngộ cho mình một phương pháp giải quyết hài hoà những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Muốn thấm nhuần và vận dụng được đạo của chữ Nhẫn, thì mỗi người phải hành trì trên ba phương diện là: thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn.
Thân nhẫn là thực hành chữ Nhẫn trên phương diện hành động. Trong cuộc sống mưu sinh của mỗi người luôn phải đối mặt với những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, phát triển và suy thoái, khách quan và chủ quan… Tất cả những yếu tố này luôn đan xen nhau và tồn tại trong một chủ thể. Hiểu được ý nghĩa của thân nhẫn sẽ giúp cho mỗi người có những việc làm phù hợp, kể cả có những lúc chấp nhận và hy sinh tạm thời để có thể đạt được những thành tựu to lớn hơn.
Khẩu nhẫn là thực hành chữ Nhẫn trên phương diện lời nói. Chức vụ càng lớn, vị trí càng cao trong xã hội, thì mỗi lời nói càng quan trọng. Vậy nên, dân gian vẫn thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Như vậy, người thực hành khẩu nhẫn là phải thận trọng khi phát ngôn, nếu gặp phải những lời nói thêu dệt, nói không thật, lời nói hai chiều của người khác, thì mỗi người cần chủ động bình tâm suy ngẫm để không dẫn đến khẩu chiến trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày. Bởi điều này sẽ làm tổn hại đến sự an lạc trong tâm thức và đốt cháy trí tuệ có trong mỗi người.
Ý nhẫn là thực hành chữ Nhẫn trên phương diện tư duy và nhận thức của con người. Tư duy và nhận thức của con người luôn là những yếu tố căn bản tạo nên sự thành bại của mỗi công việc. Nếu con người có trí tuệ, có sự am hiểu tường tận mỗi việc làm và thận trọng trong giải quyết, phân tích đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan thì sẽ thành công.
Học đạo chữ Nhẫn
Chữ Nhẫn có công năng đối trị cái tham, cái sân hận và sự vô minh dốt nát tiềm tàng trong mỗi con người. Đối với cá nhân, nếu mỗi chúng ta hiểu đúng và thực hành đúng ý nghĩa của chữ Nhẫn, thì bản thân mỗi người sẽ nhận được sự cảm mến của cộng sự xung quanh, lấy lời nói yêu thương sẻ chia, chân thành làm cách ứng xử với mọi người, tác phong nghiêm trang, uy đức được tôn kính.
Ở phương diện gia đình, mỗi thành viên trong gia đình biết kính trên nhường dưới, gia đình hiếu thuận, luân lý đạo đức được tôn nghiêm, bổn phận trách nhiệm của các thành viên gia đình được tôn vinh.
Đối với xã hội, hiểu và thực hành đúng chữ Nhẫn sẽ giúp cho xã hội ngày một đoàn kết, hợp tác chia sẻ và hòa bình trên cơ sở lợi ích chung.
Năm 2011, những diễn biến khó lường của sự suy giảm nền kinh tế thế giới đã và đang tác động nhiều chiều đến đời sống kinh tế - xã hội trong nước, đến đời sống tâm lý của một bộ phận người dân. Để vượt qua những khó khăn này, đòi hỏi sự nỗ lực của không chỉ các cấp quản lý, mà cần sự hợp sức tận tâm, tận lực của đội ngũ doanh nhân đang trực tiếp quản trị, lãnh đạo DN, nhằm sớm vực dậy nền kinh tế đất nước nói chung và sự phát triển bền vững trở lại của các DN nói riêng.
Hiểu và hành trì chữ Nhẫn thành công, mỗi chúng ta sẽ biết cách vượt qua được những thách thức và trở ngại hiện tại. Lý do là bởi chữ Nhẫn hoá giải tường tận quy luật phát triển và suy giảm là một hiện tượng mang tính khách quan, xuất phát trong nội tại của mỗi sự vật hiện tượng, chứ không phải là ngoại lệ với nền kinh tế, kể cả TTCK.
Trong giáo lý nhà Phật, khi tiếp cận vấn đề này thường được gọi là “sự vô thường” và vận hành theo quy luật Thành - Trụ - Hoại - Không. Nói như vậy để mỗi chúng ta thấy rằng, sự vận động của nền kinh tế, của vòng đời DN, của TTCK có những lúc nghịch, lúc thuận là hoàn toàn bình thường. Như vậy, mỗi người cần có đức tin và kiên trì nhẫn nại để hành trì chữ Nhẫn, nhằm tự tin giải quyết hiệu quả những khó khăn trở ngại.
Đại đức Thích Minh Tiến

Bài thuốc Nam đơn giản trị cao huyết áp

Lương y cửa Phật "mách" bài thuốc nam đơn giản trị cao huyết áp hiệu quả

Đó là bài thuốc nam do Thượng tọa, lương y Thích Tuệ Tâm (57 tuổi), trụ trì chùa Pháp Luân, kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm kế thừa - Ứng dụng y học cổ truyền - Tuệ tĩnh Đường Liên Hoa (số 3, đường Lê Quý Đôn, Tp Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) dày công sưu tầm, bào chế.
Cao huyết áp trong y học được nhắc đến là căn bệnh thường gặp, nguyên nhân khó xác định. Bệnh nhân mắc phải chứng cao huyết áp thường dễ bị biến chứng dẫn đến tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận.
Nguy hiểm hơn, cao huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thậm chí không biết mình đang mắc bệnh. Bởi vậy lâu nay căn bệnh này còn được gọi với cái tên là “sát thủ thầm lặng”. Tuy nhiên, lương y Thích Tuệ Tâm cho hay người bệnh có thể yên tâm tự điều trị bệnh cao huyết áp bằng những cây thuốc nam cực kì giản đơn nhưng mang lại hiệu quả cao.
Theo lời vị sư thầy, bài thuốc nam trị chứng cao huyết áp gồm 5 vị rau củ quả với liều lượng như sau: Rau cần tây (1 cây), cà rốt (1 củ), cà chua chín vừa (1 quả), hành hương (3 củ) và củ tỏi (7 tép). “Đem tất cả rửa sạch, dùng cối giã nát, sau đó hoà thêm một cốc uống trà nước sôi nguội quậy đều rồi đem lọc lấy nước cốt để uống. Cũng có thể cho những vị thực phẩm trên vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn. Ta dùng nước cốt chia uống hai lần trong ngày sau bữa ăn. Do có vị tỏi nên nước cốt hơi nồng, ai chịu khó được có thể uống gộp luôn một lần”, lương y Thích Tâm hướng dẫn.
Trong quá trình điều trị bệnh, cần phối hợp nhịp nhàng giữa việc theo dõi huyết áp người bệnh và uống nước cốt rau củ quả. Cho người bệnh uống thuốc đến khi nào huyết áp trở về mức bình thường thì ngưng, bởi nếu uống tiếp huyết áp người bệnh sẽ tụt xuống thấp.
Sư thầy cho hay thông thường người bệnh chỉ cần uống nước cốt bào chế từ 5 loại rau quả trên trong khoảng thời gian 5 - 7 ngày sẽ phát huy công dụng rõ rệt. Tất nhiên, vị lương y cửa Phật không quên căn dặn người mắc chứng bệnh cao huyết áp nên tránh thức ăn cay, nóng; hạn chế ăn dầu, mỡ; cũng như tuyệt đối không được sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Ngoài ra, để quá trình trị liệu đạt hiệu quả cao, có thể kết hợp giữ uống thuốc nam với phương pháp tâm lý trị liệu. “Người bị cao huyết áp không nên tức giận, nóng tính hoặc ưu phiền quá mức mà phải giữ tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ. Người xưa vẫn thường nói một nụ cười bằng mười thang thuốc đó thôi”, ông vui vẻ bật mí.
Lại nói về bài thuốc nam chữa bệnh cao huyết áp, sư thầy trụ trì chùa Pháp Luân cho hay đã áp dụng bài thuốc gần 30 năm nay và chữa khỏi cho hàng trăm bệnh nhân. Hiện ông rất muốn phổ biến bài thuốc rộng rãi để mọi người đều có thể tự áp dụng trị bệnh cho chính bản thân mình. Ưu điểm của bài thuốc như lời ông, không những có khả năng ổn định huyết áp người bệnh trong lâu dài mà còn rất dễ bào chế, dễ tìm kiếm, giá cả lại rẻ. Nguồn gốc bài thuốc trên được sư thầy Tuệ Tâm bật mí tự mình sưu tầm trong sách y học cổ sau đó tìm tòi, bổ sung thêm.
Hàng chục năm nay, cái tên Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa luôn được biết đến là nơi khám chữa bệnh giúp đỡ người nghèo nức tiếng xa gần. Hiện ở địa chỉ này có khoảng 40 lương y, bác sĩ, y sĩ cùng tham gia khám bệnh giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Đến Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa, người bệnh được khám bệnh, châm cứu miễn phí.
Sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm
Riêng chi phí thuốc thang, sư thầy cho biết tuỳ thuộc theo đối tượng mà trung tâm có chế đội miễn giảm khác nhau. Đối với bệnh nhân nghèo, gia cảnh khó khăn không những được cấp phát thuốc mà còn được hỗ trợ thêm chỗ ăn ở miễn phí. Ngoài ra mỗi năm tập thể cán bộ tại Trung tâm đều thường xuyên tổ chức những đợt khám chữa bệnh từ thiện lưu động về vùng sâu vùng xa.
Bộc bạch cơ duyên đến với nghề thuốc, sư thầy giải thích rằng đó là nghiệp của mình, là “duyên trời định”. Ông trải lòng: “Năm 21 tuổi tôi bắt đầu phát nguyện sẽ nghiên cứu thuốc Đông y để chữa bệnh cứu người. May mắn hơn sau đó tôi được sư phụ vốn là thầy lang nổi tiếng ở Huế truyền nghề nên mới có cơ hội trở thành lương y như bây giờ”. Vừa tu hành, vừa tham gia chữa bệnh giúp đời, chẳng mấy chốc “tiếng lành vang xa” và cũng từ đó người ta biết đến cái tên Thích Tuệ Tâm là thầy thuốc hơn là một nhà sư.
Đến năm 1982, sư thầy Tuệ Tâm đã đứng ra mở lớp châm cứu tại chùa Huyền Không (xã Hương Hồ, huyện Hương Trà) như “cú đột phá” trong tâm nguyện giúp đời, giúp người của mình. Cũng trong năm đó tổ chẩn trị y học cổ truyền gồm bảy thành viên do sư thầy Tuệ Tâm đứng đầu được ra mắt. Đó chính là tiền thân của Trung tâm khám chữa bệnh Tuệ tĩnh Đường Liên Hoa bây giờ.
Đáng khâm phục hơn, lương y này luôn đề cao tinh thần sử dụng cây thuốc nam vào điều trị bệnh tật. Ông cho hay hiện trung tâm sử dụng thuốc nam chiếm đến hơn 50% loại thuốc; chỉ những trường hợp cấp cứu khẩn cấp mới áp dụng thuốc tây y.
Cũng như nhiều lương y khác, thầy Tuệ Tâm nhìn nhận cây thuốc nam vốn chứa nhiều công dụng kì diệu nhưng đến nay vẫn chưa được khám phá hết. Với tâm nguyện tiếp tục khám phá hết giá trị thuốc nam, đã gần 30 năm nay vị trụ trì chùa Pháp Luân đứng ra mở lớp bồi dưỡng kiến thức đông y, lớp giảng dạy Hán nôm đông y ngay tại Trung tâm. “Cả hai lớp có khoảng 100 học viên theo học, hoàn toàn miễn phí. Phần lớn học viên theo học là sinh viên các trường y dược, các thầy thuốc đông y trên toàn tỉnh. Điều này chứng tỏ người Việt ta vẫn còn rất quan tâm đến thuốc nam, đấy cũng là tâm nguyện lớn nhất đời tôi”, sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm trải lòng.
Theo các chuyên gia, người bị bệnh cao huyết áp nên chú ý các nguyên tắc trong sinh hoạt sau: - Chú ý phòng lạnh giữ ấm, tránh gió lạnh.
- Hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể, mỗi ngày không nên ăn quá 6g. Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, gà, cá, sữa và thực phẩm từ đậu. Hạn chế ăn dầu, mỡ và giữ cho đại tiện thông suốt.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nâng cao khả năng chống lạnh.
- Biết cách khống chế, làm chủ tâm trạng, cảm xúc. Tránh để thể lực và tinh thần rơi vào tình trạng quá mệt mỏi. Tức giận, lo lắng cực độ đều không tốt.
- Kiên trì uống thuốc, duy trì huyết áp ổn định. Tuy nhiên không nên tuỳ tiện uống thuốc giảm huyết áp hoặc ngưng uống thuốc đột ngột.

Theo Văn Mai - PLVN

Thuốc Nam trị bệnh gút hiệu quả

Kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghiệp y dược đã giúp lương y Lê Hữu Chí (45 tuổi, ngụ phường Phú Hoà, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bào chế thành công bài thuốc chữa trị dứt điểm bệnh gút mãn tính. Vị lương y cho biết bài thuốc chữa trị bệnh gút được bào chế từ 12 loại thảo dược trong dân gian.
Bài thuốc “nghèo” trị dứt “bệnh nhà giàu”
Gọi là bài thuốc “nghèo” bởi thuốc được bào chế hoàn toàn từ những cây thảo dược rất dễ kiếm trong vườn tược, đồi núi, thậm chí ngay bên vỉa hè lề đường. Hơn nữa giá thành mỗi thang thuốc chỉ từ 15 đến 20 nghìn đồng. Lương y Chí trình bày bài thuốc chữa trị bệnh gút mãn tính gồm 12 loại thảo dược có tên sau: Cam thảo đất, táo mèo, vỏ bưởi, hạt chuối sứ, củ ráy tía, củ sơn thục, củ khúc khắc, lá lốt, dây tơ hồng, cà gai leo, củ tỏi đỏ và cây bồ công anh.
Tác dụng chung của những vị thuốc này theo lời thầy Chí là chống viêm và bài trừ thấp khớp. Ngoài ra thuốc còn có chức năng bồi bổ khí huyết, từ đó sản sinh ra hoạt chất bôi trơn các khớp xương, giúp cơ thể vận động thoải mái, dễ dàng. “Người bị gút biểu hiện rõ nhất ở việc đau các khớp chân, tay. Chính vì vậy công dụng cơ bản của bài thuốc chính là kháng viêm khớp, giúp lợi gân cốt”, ông Chí giải thích.
Cách thức sử dụng bài thuốc được ông Chí hướng dẫn cực kì đơn giản là đem phơi khô rồi sắc lấy nước uống, liều lượng mỗi vị 8 gam, mỗi ngày sắc một thang và uống đều sau bữa ăn. “Sắc một lít nước, đến khi còn lại nửa lít là được, hoặc đổ vào 3 chén nước lấy lại hơn một chén để uống. Ngoài ra có thể xay mịn thuốc rồi cho vào ấm chế nước uống như pha trà. Mỗi ngày uống từ 3 - 4 ấm là tốt nhất”, ông hướng dẫn thêm.
Cũng theo lời thầy thuốc này, thuốc nam cho tác dụng từ từ chứ không thể “uống ngày trước, ngày sau lành bệnh” nên đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì điều trị. Với kinh nghiệm nhiều năm chữa trị bệnh gút bằng thuốc nam, ông Chí cho biết thông thường bệnh nhân uống thuốc trong vòng 1 - 2 tháng sẽ cho kết quả khả quan như vận động chân tay ít đau, khớp xương không bị sưng tấy.
Điều cần lưu ý đối với bệnh nhân điều trị gút là tuyệt đối kiêng tránh những thức ăn như thịt chó (thịt cầy), đồ hải sản, thịt đỏ (như thịt bò) và nội tạng động vật bởi những thực phẩm này chứa hàm lượng đạm cao, gây nguy cơ mắc bệnh. Thay vào đó người bệnh nên ăn nhiều rau quả, tăng cường uống nước và vận động nhẹ tuỳ theo sức khoẻ bản thân để khí huyết lưu thông đều đặn.
Ông Chí đang chữa trị cho một bệnh nhân mắc bệnh gút
“Nếu có điều kiện người bệnh có thể kết hợp thêm điều trị bằng phương thức châm cứu, mát xa các huyệt đạo bởi các phương pháp hỗ trợ này sẽ có tác dụng điều chỉnh khí huyết, bổ huyết, từ đó ắt bệnh tật sẽ tự nhiên mà thuyên giảm”, lời lương y Chí căn dặn bệnh nhân.
Nói về ưu điểm của phương pháp chữa trị “bệnh nhà giàu” bằng bài thuốc nam, lương y Chí khẳng định thuốc hoàn toàn không cho tác dụng phụ, hiệu quả chữa trị tuy “chậm mà chắc”. Đó là chưa kể đến lợi ích kinh tế bởi không phải ai đều có đủ điều kiện mua các loại thuốc Tây y vốn rất đắt đỏ.
Vị lương y xứ Huế thậm chí còn khẳng định bất kể bệnh nào đều có thể tự tìm thuốc để sắc uống chứ không nhất quyết phải tìm đến bác sĩ. “Đây toàn là những loại thảo dược dễ tìm ở nước ta, cách thức bào chế cũng hết sức đơn giản”, ông mở lòng chia sẻ.
Ba năm mày mò tự chế bài thuốc
Kể về nguồn gốc bài thuốc nam chữa trị bệnh gút, lương y Lê Hữu Chí “bật mí” cách đây khoảng 10 năm, trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân bị thấp khớp, ông mới biết nhiều người không phải đau khớp thông thường mà bị gút. Ở thời điểm đó nhiều người mắc bệnh gút nên căn bệnh này trở thành đề tài nóng hổi, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nghĩ vậy nên ông quyết tâm tìm tòi bằng được bài thuốc nam chữa trị căn bệnh được mệnh danh là “bệnh nhà giàu”.
Trong Đông y bệnh gút được xác định do hai nguyên nhân chủ yếu: Ngoại nhân và nội nhân. Ngoại nhân tức cơ thể bị những luồng tà khí thâm nhập dẫn đến phong hàn, tê thấp, kinh mạch tắc nghẽn. Còn nội nhân hay còn gọi “thất tình nội thương”, xuất phát từ chế độ ăn uống thiếu khoa học hay ức chế tinh thần kéo dài khiến thân thể lâm bệnh. Đặc biệt bệnh gút nếu không được chữa trị kịp thời, không những khiến người bệnh khó vận động mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ bệnh tật khác như: Dị dạng khớp xương, suy thận, bị sạn thận.
Một số vị thuốc nam có tác dụng điều trị bệnh gút
Nghiền ngẫm nhiều cuốn sách, hỏi ý kiến nhiều lương y khác, sau khoảng 3 năm thử nghiệm, ông đã tự chế ra bài thuốc trên. Thuyết phục về tính hiệu quả của bài thuốc nam, thầy thuốc Đông y cho biết đã đưa vào áp dụng bài thuốc hơn sáu năm nay và thu được kết quả khả quan. Ông nói: “Hàng trăm bệnh nhân gút đã được chữa trị bằng bài thuốc nam gồm 12 vị thảo dược trên. Thực tế nhiều trường hợp mắc chứng gút mãn tính đã khỏi hẳn bệnh sau một thời gian kiên trì uống thuốc”.
Anh Lương Văn Cầu (ngụ phường Phú Thuận, thành phố Huế), là bệnh nhân hiện đang điều trị bệnh gút bằng bài thuốc nêu trên chia sẻ: “Tuy mới uống thuốc vài tuần nhưng tôi cảm thấy cơ thể đỡ đau đớn hơn nhiều. Bây giờ tôi có thể cử động chân tay mà không đau nhói như trước đây. So với uống thuốc tây, thuốc nam vừa rẻ lại không gây cảm giác mất ăn, mất ngủ”.
Tâm sự chuyện nghề, lương y Chí cho biết rất lấy làm vui mừng bởi sau hai thập kỉ theo nghề y, bài thuốc chữa gút chính là thành quả lớn nhất đời mình. Ông trải lòng chính nhờ lòng yêu nghề đã giúp bản thân nghiên cứu, bào chế thành công bài thuốc nam nêu trên. Càng khâm phục hơn khi ông sẵn lòng chia sẻ bài quý cho tất cả những ai có nhu cầu mà không chút vụ lợi tơ hào. Quan niệm nghề của ông khá đơn giản: “Sống là cho chứ đâu chỉ nhận. Cứu một mạng người hơn xây toà tháp”.
Gút (Gout) là một bệnh lý rối loạn chuyển hoá chất purin làm tăng lượng Acid uric trong máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối Urát tại khớp gây viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của người bị mắc gút là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp. Tỉ lệ mắc bệnh gút ở nam giới cao hơn nữ giới. Việc uống nhiều bia rượu cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Để phòng tránh bệnh gút nên giảm cân, uống nhiều nước. Một trong những phương pháp điều trị gút phổ biến hiện nay là kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.
Quảng Thiên - PLVN

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Cách nhận ra tôn tượng Phật Thích Ca và A Di Đà

(Kienthuc.net.vn) - Trong các chùa hiện nay thường thờ các tôn tượng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà bên cạnh các vị Bồ Tát, A La Hán… Tuy nhiên rất nhiều người vẫn không phân biệt được đâu là Tôn tượng A Di Đà, đâu là Phật Thích Ca.

Nhiều người không phân biệt được đâu là Tôn tượng Phật Thích Ca, đâu là A Di Đà
Nhiều người không phân biệt được đâu là Tôn tượng Phật Thích Ca, đâu là A Di Đà
 
Nói về điều này, thầy Thích Phước Thái cho rằng: việc phân biệt sự khác biệt giữa hai tôn tượng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà qua một vài đặc điểm của biểu tướng như sau:
 
Phật Thích Ca thường trong các chùa Phật giáo Bắc Tông (Đại Thừa) đều thờ Ngài ở chính giữa chánh điện. Nên gọi Ngài là đấng Trung Tôn vì Ngài là vị Giáo chủ cõi Ta bà nầy.
 
Hình tượng Ngài không nhất thiết phải giống người Ấn Độ, vì theo quan niệm Phật giáo Bắc tông, nhất là Thiền tông cho rằng, mỗi người đều có ông Phật (Phật tánh) nên người nước nào tạc tượng giống người nước đó. 
 
Từ nét mặt cho đến hình tướng nên hình tượng thờ trong các chùa không nhất thiết phải giống nhau. Đó là xét trên đại thể, còn các chi tiết thì tương đối giống nhau.
 
Tôn tượng đức Thich Ca Mầu-Ni được thờ ở giữa, bên tả là tượng Ca-Diếp Tôn-Giả, bên hữu là tượng A-Nan-Đà tôn giả, là hai đại đệ tử của Đức Thích-Ca khi ngài còn ở thế-gian
Tôn tượng đức Thich Ca Mầu-Ni được thờ ở giữa, bên tả là tượng Ca-Diếp Tôn-Giả, bên hữu là tượng A-Nan-Đà tôn giả, là hai đại đệ tử của Đức Thích-Ca khi ngài còn ở thế-gian
Nhiều chùa còn thờ cả tôn tượng Phật Thích Ca nhập diệt và sơ sinh
Nhiều chùa còn thờ cả tôn tượng Phật Thích Ca nhập diệt và sơ sinh
 
Như ngồi trên tòa sen, hai bàn tay bắt ấn Tam muội, nhục kế trên đỉnh đầu, đôi mắt mở ba phần tư, và mặc ca sa (y)… Đó là một vài nét biểu tướng của Phật Thích Ca. Ngoài ra, các chùa còn có thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh tay chỉ thiên tay chỉ địa.
 
Còn về phía Tôn tượng đức Phật Di Đà, thông thường, có hai tượng mà chúng ta thường thấy: tượng Ngài ngồi kiết già trên tòa sen, tay kiết định ấn, tương tự Phật Thích Ca và tượng đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng nổi lên rất cao, mắt Ngài nhìn xuống, tay trái bắt ấn cam lồ và đưa lên ngang vai, tay mặt duỗi xuống như sẵn sàng chờ đợi cứu vớt những chúng sanh đang đắm chìm trong bể khổ. Tượng nầy gọi là tượng Di Đà phóng quang. 
 
Về tượng đứng, thường bên cạnh Ngài có hai vị đại Bồ tát Quán Âm và Thế Chí. Bồ tát Quán Âm thì đứng bên tay trái và Bồ tát Thế Chí đứng bên tay phải của Ngài. Đây gọi là tượng Tam Thánh. 
 
Phật A Di Đà ngồi
Phật A Di Đà ngồi
Phật A Di Đà đứng
Phật A Di Đà đứng
Nhiều khi Tôn tượng A Di Đà còn được thờ bên hai vị đại Bồ tát Quán Âm và Thế Chí gọi là tượng Tam Thánh
Nhiều khi Tôn tượng A Di Đà còn được thờ bên hai vị đại Bồ tát Quán Âm và Thế Chí gọi là tượng Tam Thánh
 
Về tượng nầy, thì rất dễ phân biệt khác với tượng Phật Thích Ca. Còn về tượng ngồi, ta nên lưu ý sự khác biệt giữa hai tôn tượng như sau: Tượng Phật Thích Ca không bao giờ duỗi một cánh tay.
 
Tượng Phật Thích Ca thường đắp y choàng qua cổ không có đắp y khoát vuông để trống trước ngực có chữ vạn. Ngược lại, tượng Phật Di Đà có đôi khi người ta tạc tượng Ngài ngồi tư thế kiết già và duỗi xoè bàn tay mặt. Y khoát cổ vuông và trước ngực có chữ vạn. Đó là hai nét chính khác với tượng Phật Thích Ca.
 
chùa thờ tôn tượng đức Thich Ca Mầu-Ni ngồi cầm hoa-sen
chùa thờ tôn tượng đức Thich Ca Mầu-Ni ngồi cầm hoa-sen
 
Ngoài ra có nhiều chùa làm tôn tượng đức Thich Ca Mầu-Ni ngồi cầm hoa-sen, như khi ngài thuyết pháp ở Linh-Thứu-Sơn; bên tả là tượng Ca-Diếp Tôn-Giả, vẻ mặt già, bên hữu là tượng A-Nan-Đà tôn giả, vẻ măt trẻ, là hai đại đệ tử của Đức Thích-Ca khi ngài còn ở thế-gian. Tượng hai vị tôn giả ấy đều tạc đứng, hình dáng hai người tỳ khưu.
 
Hoài Lương (ghi lại)

Hiểu đúng về giá trị của việc đi chùa lễ Phật

Vào mồng một, ngày rằm hàng tháng, vào những dịp lễ, Tết có rất nhiều người đi chùa lễ Phật. Đó là một phong tục đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những người đến chùa với đúng nghĩa lễ Phật, học Chánh pháp, hành thiện tích đức thì cũng không ít người đến chốn cửa thiền làm những điều trái giáo lý nhà Phật, ngược với thuần phong mỹ tục. Sự thiếu hiểu biết về đạo Phật đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn với chùa chiền. Do vậy, để hoạt động tín ngưỡng diễn ra đúng với bản chất, góp phần tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bài trừ mê tín dị đoan thì cần có cái nhìn đúng đắn về chùa chiền và giáo lý đạo Phật.
Chùa chiền là cơ sở tu học và truyền bá giáo pháp. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói chùa là một ngôi trường dạy về đạo Phật, là nơi gìn giữ và truyền bá tư tưởng của Đức Phật thông qua hoạt động truyền pháp.
Vậy đến chùa để làm gì? Thứ nhất, đối với những người có hiểu biết về Phật giáo, tự nguyện phát tâm hướng Phật, thì đến chùa trước hết là lễ Phật. Lễ Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu mong ban ân, mà chỉ vì quý kính công đức, trí tuệ của Phật. Khi lễ Phật, người làm lễ cúi lạy Phật để thấy mình còn thấp kém, còn nhiều dục vọng, tham lam… mà sửa đổi. Sau lễ Phật là tham gia tụng niệm, học hỏi Chánh pháp, tập tu đức hạnh. Phật giáo với tám vạn bốn nghìn pháp môn nên không thể một một sớm một chiều mà lĩnh hội được. Do vậy phải thường xuyên tới lui cửa thiền để học tập. Trong trường hợp này, hễ có thời gian thì người ta đi chùa, không cứ phải ngày lễ, ngày Tết.
Thứ hai, những người không vì tĩnh tâm hay hỏi đạo mà vẫn đi chùa. Đây là trường hợp vì mưu sinh, đua chen trong cuộc sống thần kinh bị căng thẳng, nên tìm đến thiền môn. Khung cảnh tịch mịch của ngôi chùa khiến tâm hồn lắng xuống, thần kinh dịu lại. Không cần gặp ai, chẳng màng học hỏi, chỉ cần ngắm cảnh thanh nhàn u tịch, hít căng lồng ngực không khí trong lành dịu nhẹ hương hoa hay ngồi đặt lưng tựa bên vách chùa, cảm nghe lòng nhẹ nhàng khoan khoái… những giây phút đó gánh nợ đời oằn oại đôi vai như vơi nhẹ đi.

Đức Phật là một bậc Giác ngộ, một nhà tư tưởng, không phải là một vị thần có nhiều quyền năng để có thể ban phúc, hay giáng họa cho bất kỳ ai. Phật chỉ dạy chúng ta về nhân quả, nghĩa là các hành động qua thân, miệng và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến.
Từ những vấn đề trên, chúng ta thấy các hành động như: chen chúc, giẫm đạp để giành giật nhau đồ lễ; cúng đồ lễ gồm quá nhiều tiền âm phủ, vàng mã, đồ ăn mặn; quăng tiền thật bừa bãi ở gốc cây, tượng Phật, thú đá; xếp hàng rồng rắn, sắm lễ vật tiền triệu để cầu an, giải hạn… thật chẳng mấy ý nghĩa và lãng phí vô cùng.
Đến cửa chùa phải tâm lành, ý thiện. Cúi đầu lạy Phật là đã tự nhận mình còn nhiều tham, sân, si và có ý hối hận, muốn tu tỉnh. Vậy cầu tài, cầu lộc, cầu danh vọng phải chăng là những điều xa lạ trước thiền môn?
Đất nước trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, mở cửa, hội nhập, mặt trái kinh tế thị trường không khỏi làm cho một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng. Tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Kỷ cương xã hội có lúc, có nơi bị buông lỏng. Tham nhũng, cửa quyền của một bộ phận cán bộ đang làm cho xã hội nhức nhối, bức xúc… Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta đánh mất niềm tin vào thực tại, phải đổ xô tìm kiếm ở một thế giới ảo, siêu thực.
Đến chùa không thể xin được sự bình an, hạnh phúc. Muốn bình an, chúng ta phải biết rõ giá trị cuộc sống, biết rõ vị trí của mình trong xã hội. Thường ngày sống, làm việc phải theo hiến pháp, pháp luật, đúng đạo lý. Muốn ấm no, hạnh phúc không có gì khác ngoài việc phải làm việc, lao động chân chính. Mọi tư tưởng sống gấp, sống hưởng thụ, lười lao động, thiếu tu dưỡng đạo đức đều dẫn đến bất hạnh không cần phải do thần linh hay số phận an bài.
Tự do tín ngưỡng là một quyền của công dân được Nhà nước bảo vệ. Tuy nhiên người dân cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức về tôn giáo mà mình tín ngưỡng. Có như vậy mới không rơi vào mê tín dị đoan. Hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi chùa lễ Phật góp phần nâng tầm văn hóa, giá trị của các lễ hội gắn với chùa chiền. Đó cũng là cách mà mỗi người dân Việt Nam giữ gìn và phát huy nền văn hóa đặc sắc, đa dạng của mình trong xu thế hội nhập hiện nay. 
Theo Giacngo

Đạo Phật có phải là một tôn Giáo?

Tạp chí Xưa & Nay Số 415 tháng 11/2012

YẾU TỐ NIỀM TIN VÀO THỰC THỂ TÂM LINH(TYLOR 1871) HAY CÁC YẾU TỐ GIÁO HỘI VÀ GIÁO LÝ (ĐẶNG NGHIÊM VẠN 2001) TRONG ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO LẠI DƯỜNG NHƯ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG YẾU TỐ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO. KHÔNG CHỈ LÀ TƯ LIỆU THỰC ĐỊA GÓP PHẦN XEM XÉT LẠI CÁC ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO CỦA PHƯƠNG TÂY CHỊU ẢNH HƯỞNG CỦA TRUYỀN THỐNG NGHIÊN CỨU KITÔ GIÁO, THỰC HÀNH PHẬT GIÁO CÒN GÓP PHẦN ĐƯA RA MỘT CÁCH NHÌN MỚI TRONG ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO (KEYES 2006) (1). XƯA NAY XIN GIỚI THIỆU BÀI VIẾT CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC VỀ VẤN ĐỀ NÀY. THƯỢNG TOẠ THÍCH HUỆ ĐĂNG HIỆN LÀ ỦY VIÊN BAN HOẰNG PHÁP TRUNG ƯƠNG VÀ LÀ GIẢNG VIÊN HỌC VIỆN PHẬT GIÁO HÀ NỘI.

Câu hỏi này ở đầu cửa miệng của nhiều người, nhất là nhửng người Mác xít mà tôi được quen biết. Tôi nghĩ rằng câu trả lời có hay không, phải hay không phải, tuỳ thuộc vào vấn đề chúng ta hiểu từ ngữ “tôn giáo”, một từ ngữ gốc Phương Tây (reli­gion), như thế nào?

Nếu định nghĩa tôn giáo, tức đạo, là con đường dẫn tới chân lý và giác ngộ và giải thoát, thì đạo Phật một đạo giác ngộ và giải thoát đúng là một tôn giáo. Vì bản thân Phật pháp đã từng được đức Phật ví như cái bè dùng để qua sông, hay ngón tay chỉ mặt trăng, nghĩa là như một phương tiện, chứ không phải là một cứu cánh, thì đạo Phật đúng là một tôn giáo như vậy. Khác với giáo chủ của các tôn giáo khác, Đức Phật không bao giờ tự gán cho mình quy chế Thượng đế, con Thượng đế, hay là phái viên của Thượng đế. Phật tự xem mình là “vị thầy chỉ bày con đường” (Margadata), tức là con đường Bát chánh đạo đã dẫn tới giác ngộ và giải thoát, con đường đoạn trừ mọi khổ đau.
Đạo Phật xa lạ với mọi ý niệm vê một Thượng Đế cá nhân đẩy quyền năng vô hạn. Đức Phật đến với loài người như một Con Người giản dị nhưng hoàn thiện, một con người đã được giác ngộ và giải thoát, và chỉ bày cho con người con đường giác ngộ và giải thoát. Cũng vì đức Phật không tự cho mình một quy chế Thượng đế hay một thần linh tôi thượng, cho nên các tôn giáo thần quyền thường đánh giá đạo Phật là đạo vô thần (atheistic). Phật thường khuyên bảo học trò không nên tin lời Phật vì lòng kính trọng đối với Ngài, mà vì lời dạy của Phật đúng đắn, dẫn con người đến giác ngộ và giải thoát. Lời dạy của Phật không được xem như giáo điều, tuyệt đối phải tin tưởng. Lời dạy của Phật phải được chúng ta kiểm nghiệm qua cuộc sông thực tiễn như là người thợ vàng thử vàng vậy. Phật thường dạy học trò rằng một điều dù đúng hay sai không phải là do quyền uy của vị đạo sư nói ra, hay được ghi trong sách thánh như là thần khải. Đối với Phật, quyền uy và thần khải không phải là tiêu chuẩn của chân lý. Đối với đạo Phật tiêu chuẩn của chân lý là lý trí và sự kiểm nghiệm của cuộc sống. Khẳng định như vậy để nói rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, nếu tôn giáo nghĩa là chấp nhận giáo điều, là tự biện thần học, gọi là để tìm ra chân lý trong từng câu từng chữ của sách thánh, là niềm lo sợ đối với cái thiêng liêng và siêu nhiên, là sự gửi gắm cả cuộc đời mình cho thần linh hay Thượng đế… Nếu tôn giáo là như vậy, thì đạo Phật sẽ không Phải là tôn giáo, mà đúng hơn là một hệ thông triết lý và đạo đức dẫn con người tới cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ.
Nhưng nếu tôn giáo là một cái gì đó tạo cảm hứng cho con người hướng tới một cuộc sống tốt đẹp nhất, cao cả nhất, thúc đẩy con người tự hoàn thiện mình bằng một nỗ lực đạo đức không ngừng, nếu tôn giáo nâng bổng con người, vượt lên những nhu cầu vật chất tầm thường của cuộc sống, thì đạo Phật là tôn giáo như vậy. Mà lạ lùng thay, một tôn giáo như đạo Phật, không công nhận có linh hồn bất tử, cũng không công nhận có thượng đế tạo thế, ấy thế mà từ khi ra đời ở Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, nó đã làm chấn động tận gốc rễ xã hội đẳng cấp lâu đời, buộc tất cả mọi tôn giáo và triết phái truyền thông phải xét lại cơ sở giáo lý của mình. Và sau khi nó vượt qua biên giới, nó trở thành một tôn giáo thế giới, nó đã chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu người. Ngày nay cũng vậy trong khi các tôn giáo truyền thông và thần quyền đang chịu đựng những thử thách lớn, đối diện với tiến bộ của khoa học như vũ bão, thì đạo Phật vẫn đứng vững như bàn thạch. Đạo Phật mở con đường du nhập của mình vào ngay trong lòng những nước đứng đầu trên thế giới về khoa học và công nghệ, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức,…
Không phải vì là Phật tử mà chúng ta ca ngợi đạo Phật. Chính các nhà khoa học lớn, có tiếng tăm ca ngợi đạo Phật. Có thể trích ra đây lời nhận xét của nhà bác học Albert Einstein đối với đạo Phật: “Tôn giáo trong tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ, nó phải siêu việt hơn một Thượng đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học; bao quát cả hai mặt tự nhiên và tâm linh. Nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ sự thực nghiệm của mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh, được quan niệm như một thể thống nhất có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng một mô tả như vậy. Nếu có một tôn giáo thỏa mãn được yêu cầu của khoa học hiện đại, thì tôn giáo đó là đạo Phật”(2). Để chứng minh nhận xét của tôi về sự thành công của đạo Phật tại các nước công nghiệp phương Tây, cho phép tôi đưa ra một trích dẫn nữa, lần này là của một nhà nghiên cứu tôn giáo người Pháp trong một bài đăng trong một đặc san nghiên cứu các tôn giáo của tờ Thế giới ngoại giao số tháng 11 và 12/1999: “Phật giáo chủ yếu là tôn giáo hiện đại: dành cho cá nhân, không giáo điều đạo đức, kết hợp thân với tâm. Phật giáo có tất cả cơ may để phát triển ở phương Tây, vì nó không đề xuất một sự cứu rỗi, xuất phát từ một thần linh bên ngoài, mà là một phương pháp thực tiễn để thoát khỏi đau khổ và đạt tới hạnh phúc, ngay tại thế giới này”(3).
Phật giáo không có một tổ chức tăng đoàn chặt chẽ, theo kiểu các tôn giáo thần quyền phương Tây. Vì sao? Vì tinh thần dân chủ và bình đẳng trong đạo Phật không cho phép có một tổ chức chặt chẽ như vậy. Không phải trong thòi kỳ Phật giáo bộ phái ở Ấn Độ, mà ngay cả ở Trung Hoa, Nhật Bản, tổ chức Phật giáo vẫn bao gồm nhiều giáo phái và hệ phái khác nhau, với những chùa chiền, tu viện, và thiết chế giáo dục, của riêng các giáo phái và hệ phái đó. Ở Việt Nam tuy có một giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, thế nhưng hiến chương của giáo hội tôn trọng sự tồn tại trong phạm vi giáo hội của những giáo phái và hệ phái khác nhau, như Phật giáo Nam tông, hệ phái Khất sĩ, Phật giáo Khơ-me,…
Ngày xưa, khi Thiên Chúa giáo mới bắt đầu vào nước ta, có sự phân biệt đồng bào giáo và lương. Đồng bào giáo chỉ cho tất cả đồng bào theo tôn giáo mới, tức Thiên Chúa giáo, còn đồng bào lương chỉ cho tất cả đồng bào theo các đạo Phật, Nho, Lão hay bất cứ một tín ngưỡng bản địa nào khác. Vì sao vậy? Phải chăng người Việt Nam cũng như người Á Đông nói chung không có một quan niệm về tồn giáo chặt chẽ về mặt tổ chức như đạo Thiên chúa. Một người Trung Hoa, Nhật Bản hay người Việt Nam có thể theo cả ba đạo Phật, Nho, Lão và cả đạo ông bà nữa mà trong lương tâm họ không bị chi phối về mặt tâm lý bởi những bài thuyết giảng kiểu như những bài thuyết giảng của các bậc tiên tri đạo Do Thái. Những bài thuyết giảng này chống lại mọi biểu hiện của tà giáo và tà đạo, khi các bộ tộc Do Thái từ kiểu sống du mục chuyển thành những bộ tộc định cư và sản xuất nông nghiệp, sau khi vương quốc Israen đầu tiên được thành lập, với các vua David, rồi Solomon, như đã được ghi chép trong sách Cựu ước.
Người Á Đông dù là ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, chấp nhận tín ngưỡng đa thần giáo một cách tự nhiên, thông thoáng, có thể vì vậy mà họ cũng không có tư tưởng kỳ thị tôn giáo. Tôn giáo nào cũng cung cấp một câu trả lời mà tín đồ tin là thỏa đáng đối với ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc sống. Niềm tin của tín đồ có thể nông hay sâu, liên tục hay ngắt quãng, nhưng niềm tin đó phải có, thì mới có tôn giáo, bởi lẽ niềm tin tôn giáo là động lực khiến tín đồ sống cả đời theo niềm tin đó. Điều đặc sắc của đạo Phật là sự kết hợp niềm tin với lý trí hay trí tuệ, hiểu biết càng sâu thì niềm tin tôn giáo càng vững. Còn tổ chức của giáo hội có chặt chẽ hay lõng lẻo, cũng không thành vấn đề. Thậm chí, có những tín đồ của Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay một tôn giáo nào khác, rất có thể không đi chùa, không đến nhà thờ, không chấp hành những nghi lễ nào đó do giáo hội quy định, nhưng họ vẫn là tín đồ tôn giáo theo đúng đòi hỏi lương tâm họ.
Đức Phật thường dạy học trò mình rằng: “Không nên chấp nhận những lời dạy của Ta do lòng kính trọng, mà trước hết hãy kiểm nghiệm những lời dạy đó, như dùng lửa thử vàng vậy”. Phật dạy: “Một điều là đúng hay sai, không phải là quyền uy và thần khải”. Phật ví những tín đồ như một đoàn người mù, dẫn dắt nhau đi, người đi đầu không thấy gì hết, người đi cuòi cũng không thấy gì hết. Phật cho rằng chấp nhận chân lý và giác ngộ chân lý là hai chuyện khác nhau. Giác ngộ chân lý như người nếm mật, còn chấp nhận chân lý là không hiểu, thì cũng giống như người dùng thìa hứng mật, múc mật mà không nếm mật vậy.
Cũng như thế, đơn thuần chấp nhận chân lý do quyền uy của người khác, dù người khác đó là bậc đạo sư, sẽ không có được sự giác ngộ tâm -linh, dẫn tới giải thoát tối hậu. Tuân thủ một truyền thống hay quyền uy, tự nó không có giá trị gì hết. Để được giác ngộ, học hỏi là cần thiết, nhưng sự học hỏi đó cần được bổ sung bằng thực nghiệm cá nhân. Tôn giáo luôn luôn là thực nghiệm qua cuộc sống như là vị thầy thuốc tốt nhất, qua thân tâm của mình như là cuon sách quý nhất. Phật giáo là như vậy.

CHÚ THÍCH:
1. Tylor, Edward B. 1871, Primi­tive Culture (Văn hóa nguyên thủy). London: John Murray; Đặng Nghiêm Vạn, 2001, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia; Keyes, Charles F. 2006. “Dẫn luận: Sự thăng trầm của nghiên cứu nhân học về tôn giáo” trong Những vấn đề nhân học tôn giáo. Đào Thế Đức dịch; Nguyễn Văn Chính hiệu đính, Đà Nẵng, Hội KHLSVN, Nxb. Đà Nẵng, tr 7-27.
2. Phra Sripariyattimoli, 1999, The Buddha in the Eyes of Eminent Scholars (Đức Phật trong con mắt của các học giả uyên bác), Mahachu- lalongkorn BuddhistUniversity
3. Frederic Lenoir, 1999, Monde diplomatique, Novembre-Decembre.

Lời bình
Tác giả mở đầu bằng một nhận định sơ khởi:
…”Nếu định nghĩa tôn giáo, tức đạo, là con đường dẫn tới chân lý và giác ngộ và giải thoát, thì đạo Phật một đạo giác ngộ và giải thoát đúng là một tôn giáo. Vì bản thân Phật pháp đã từng được đức Phật ví như cái bè dùng để qua sông, hay ngón tay chỉ mặt trăng, nghĩa là như một phương tiện, chứ không phải là một cứu cánh, thì đạo Phật đúng là một tôn giáo như vậy”…
Theo tôi nghĩ, nhận xét này có vẻ hời hợt và chưa cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa Đạo Phật và những tông giáo khác, không giải thích được tại sao các nhà bác họ nổi tiếng đương thời thán phục Đạo Phật. Tất cả chỉ nằm ở nhận thức căn bản của Đạo Phật:
- Phật là gì ?
- Giác ngộ nghĩa là gì ?
Không nắm bắt ý nghĩa Đạo Phật là đạo của trí tuệ thì sẽ luôn luôn bị rơi vào trạng thái siêu hình, thần thánh hoá Đạo Phật và đi vào con đường mê tín dị đoan, đó chính là tình trạng “mạt pháp” mà bác Nhật Lệ tự hỏi khi quan sát những hiện tượng tha hoá của các tông phái Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Thiền Tông, Nguyên Thuỷ.
Tôi chỉ xin vắt tắt rằng Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni là con người thật bằng xương bằng thịt như chúng ta, Ngài chỉ để lại một thông điệp ngắn rõ ràng rằng:
- Tất cả chúng ta, con người là động vật duy nhất có trí khôn, biết tư duy, tại sao không biêt động não để tìm ra chân lý sự vật trong vũ trụ tạo hoá mà lại tự giam mình trong bóng tối vô minh nhắm mắt tin xằng bậy vào những giáo điều mê hoặc để bị dẫn dắt vào con đường tội lỗi, gây biết bao thống khổ trong lịch sử nhân loại ?
Đức Phật Thích Ca là người đã Giác Ngộ nhiều chân lý cơ bản của vũ trụ, nhưng Ngài chưa thể chứng minh được ở thời điểm cách đây hơn 2500 năm. Tuy nhiên Ngài nói đúng: “Chúng sinh sẽ thành Phật”, sẽ mang trọng trách chứng thực những chân lý do Ngài khám phá ra. Đó chính là khoa học vậy.

Lê Quốc Trinh, Canada