Bố mẹ có thể giúp con phát triển trí thông minh cảm xúc. Ảnh minh họa: Internet.
1. Nhận biết cách nhìn nhận của con và đồng cảmThậm chí ngay cả khi bạn không biết làm gì khi con bạn nản lòng, hãy thông cảm. Được thấu hiểu giúp con người xoa dịu những cảm xúc nặng nề. Đồng cảm không có nghĩa là bạn đồng ý, mà chỉ đơn giản là nhìn nhận vấn đề từ góc độ của con bạn. Cho dù con không được làm theo ý con muốn, bản thân việc bố mẹ hiểu đã khiến con dễ chịu hơn.
“Mẹ biết là thật mất hứng khi đang chơi mà phải dừng lại, nhưng đến giờ ăn tối rồi con ạ”
“Con thất vọng vì (chuẩn bị đi chơi công viên mà) trời mưa, phải không”
“Con buồn vì anh Bin không chơi với con nữa hả?”
Tại sao điều này phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ):
– Trẻ phát triển sự đồng cảm bằng cách trải nghiệm chúng từ những người khác
– Bạn đang giúp con mô tả những điều chúng đang trải qua và điều này kích hoạt cảm xúc của con. Với các em bé, việc có thể gọi tên cảm xúc của mình là công cụ để học cách quản lý cảm xúc.
2. Cho phép con bộc lộ
Các bé mẫu giáo không thể phân biệt cảm xúc của mình và chính mình. Hãy chấp nhận những cảm xúc của con bạn, thay vì chống lại chúng, kiểu như “có ai nói gì đâu mà khóc”, ‘có thế thôi mà cũng buồn”… Những câu nói như vậy đưa đến cho con bạn thông điệp rằng: một số cảm xúc là không chấp nhận được và đáng xấu hổ.
Không chấp nhận sự sợ hãi hay cơn giận dữ của con có thể thể khiến con bạn không bộc lộ ra nữa. Nhưng thực tế, con vẫn có những cảm xúc đó. Thật không may, những cảm xúc kìm nén này không hề biến mất như những cảm xúc được tự do biểu lộ. Chúng bị kìm nén, ức chế, có thể bộc lộ qua việc đánh cô em gái, có những cơn ác mộng và những hành vi khác.
Thay vì chống đối cảm xúc của con, hãy dạy con rằng có những cảm xúc khác nhau như giận dữ, sợ hãi, thất vọng… đều là những điều bình thường của con người..
“Con rất tức giận khi anh trai cướp đồ chơi của con, nhưng các con sẽ không đánh nhau. Con đến đây và nói cho anh biết con cảm thấy thế nào.”
“Con có vẻ lo lắng về buổi tham quan với lớp ngày hôm nay. Hồi trước mẹ cũng từng căng thẳng như thế. Con có muốn nói chuyện với mẹ không?”
“Con thất vọng lắm hả. Sáng nay, mọi chuyện đều không suôn sẻ. Nếu con muốn khóc thì cứ khóc cho thoải mái đi. Mọi người ai cũng có lúc muốn khóc. Con lại đây với bố nào.”
Tại sao điều này nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc
– Sự chấp nhận của bạn giúp con bạn chấp nhận những cảm xúc của chính mình, từ đó xử lý, điều chỉnh dễ dàng hơn những cảm xúc tiêu cực.
– Sự chấp nhận của bố mẹ cũng dạy con rằng những cảm xúc của con về cuộc sống không có gì nguy hiểm, đáng xấu hổ, thực tế đó là điều phổ biến và có thể kiểm soát được. Cô bé, cậu bé cũng biết rằng mình không cô độc, mình được chấp nhận ngay cả khi gặp phải vấn đề nào đó không như ý.
3. Lắng nghe những cảm xúc của con
Cho dù con bạn 6 tháng hay 16 tuổi, khi con biểu lộ cảm xúc, con cần được lắng nghe. Khi đó, con sẽ dễ dàng vượt qua được những cảm xúc tiêu cực của mình.
Thực tế, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sự hợp tác và trìu mến của con bạn khi cô bé có cơ hội nói về những gì cô bé đang cảm thấy. Con cần biết rằng bạn đang thực sự có mặt và lắng nghe. Khi đó, trẻ em có khả năng đáng kinh ngạc trong việc giải tỏa những cảm xúc của mình, trở nên thư giãn và hợp tác. Bản năng của các con sẽ biết cách chữa lành cho chính mình.
– Con có vẻ không vui gì cả. Nói cho bố nghe xem nào.
– Con đang buồn và phát điên đến mức chỉ muốn hét lên phải không nào. Ai cũng có lúc như thế. Có mẹ đây, mẹ luôn ở bên con.
Tại sao điều này nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc?
– Bản chất lành mạnh của cảm xúc con người là chúng sẽ thể hiện ra, tràn ngập chúng ta, sau đó biến mất. Khi chúng ta chống lại hay không bộc lộ, cảm xúc sẽ bị mắc kẹt bên trong thay vì biểu lộ một cách lành mạnh ra bên ngaoif.
– Trẻ em thường sợ hãi những cảm xúc mạnh sẽ áp đảo chúng, do vậy các con sẽ cố gắng chống lại cho đến lúc cảm thấy thực sự an toàn để bộc lộ. Khi những cảm xúc tiêu cực bị giữ lại trong cơ thể, sự cáu gắt giận dữ là cách tự nhiên để các con bộc lộ ra bên ngoài.
Khi bố mẹ giúp con cảm thấy an toàn để bộc lộ cảm xúc, điều này không chỉ chữa lành cho các cơ quan trong cơ thể mà còn giúp chúng tin tưởng vào quá trình xúc cảm của chính mình để có thể quản lý cảm xúc khi chúng lớn lên, không cần phải kìm nén hay cáu giận.
4. Dạy con cách xử lý vấn đề
Cảm xúc không phải là bùn để nuốt chửng, đó là những thông điệp. Hãy dạy con bạn cách cảm nhận chúng, bao dung với chúng mà không nhất thiết phải hành động. Một khi con không còn chìm ngập trong cảm xúc mạnh mẽ, con có thể hành động, giải quyết vấn đề nếu cần thiết.
Phần lớn thời gian, khi trẻ con và cả người lớn cảm thấy cảm xúc của họ được hiểu và chấp nhận, cảm xúc tiêu cực bắt đầu biến mất, mở ra cánh cửa để giải quyết vấn đề. Đôi khi chúng có thể tự làm điều đó, nhưng cũng có lúc chúng cần bố mẹ giúp đỡ.
Hãy kiềm chế mong muốn thúc giục hay xử lý vấn đề thay con trừ khi chúng nhờ bạn giúp đỡ, bởi vì điều đó sẽ khiến chúng nghĩ rằng bạn không tin tưởng vào khả năng của con mình trong việc tự xử lý vấn đề của chúng.
“Con chán vì bạn Nam bị ốm không qua chơi với con chứ gì? Con đã mong bạn ấy tới biết bao. Hay bây giờ chúng ta bày trò gì cho vui nhỉ, con có muốn không?”
“Con bực mình với bạn Sam vì tới lượt con chơi mà bạn ấy vẫn giữ khư đồ chơi đúng không? Con muốn nói với bạn ấy là “tớ không chơi với bạn nữa” nhưng mà thực ra, rồi con lại thích chơi với bạn ấy tiếp thôi. Bây giờ, con sẽ nói gì với bạn ấy nhỉ?”
Tại sao điều này nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc?
– Trẻ con cần thể hiện cảm xúc của mình, nhưng cũng cần biết cách thay đổi chúng một cách tích cực và giải quyết vấn đề. Điều này, chúng cần học hỏi và thực hành với bố mẹ và những người xung quanh.
– Nghiên cứu cho thấy rằng bản thân việc đồng cảm với trẻ chưa đủ để dạy chúng quản lý cảm xúc, bởi vì các con vẫn cảm thấy cảm xúc của mình là cái gì đó tiêu cực. Hãy dạy con bạn tôn vinh những cảm xúc của chúng như những dấu hiệu để giúp chúng làm mọi thứ theo cách khác đi, tốt hơn với những vấn đề của cuộc sống.
5. Chơi trò chơi để giải tỏa cảm xúc
Khi bạn nhận ra con mình đang trải qua những cảm xúc mạnh mà con không biết cách xử lý, hãy giúp con với liều thuốc tốt nhất: Chơi trò chơi.
Trẻ con không thể diễn đạt những cảm xúc mạnh như giận dữ, sợ hãi, ghen tị, không có giá trị… bằng lời nói – điều này thậm chí khó khăn với cả những người lớn. Nhưng khi con được chơi những trò chơi mang tính biểu tượng chẳng hạn như giả vờ cãi nhau với bạn búp bê, con có thể giải tỏa cảm xúc mà không cần nói về chúng.
Việc được vận động và cười cũng giải tỏa stress nhiều như khi khóc, và đem lại rất nhiều niềm vui.
Bố mẹ có thể tham khảo thêm 5 cách giải tỏa cảm xúc cho trẻ mẫu giáo.
( Theo yeutretho)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét