Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Ai là tác giả Huy hiệu Hoa Sen và bài ca Dây Thân Ái?


Về huy hiệu Hoa Sen:
Gia đình Phật Hóa Phổ do Cư sĩ Tâm Minh, tức Bác sĩ Lê đình Thám làm Phổ trưởng vào năm 1940. Huy hiệu Hoa Sen, trên năm cánh, dưới ba cánh, ra đời trong khoảng thời gian sau đó không xa.
Về bài ca Dây Thân Ái:
Bài ca Trại Áo Lam của Mạnh Cương, Mồng Tám Tháng Tư (Mừng Khánh Ðản) của Lê Mộng Nguyên, Sen Trắng (Bài ca chính thức của GÐPTVN) của Ưng Hội, Phạm Hữu Bình, Nguyễn Hữu Quán, Phật Giáo Việt Nam của Lê Cao Phan, Xuất Gia của Hoàng Lang, Ðoàn Liên Hương (Bài ca chính thức của Ðoàn Thiếu Nữ Phật Tử) của Hoàng Cang, Trầm Hương Ðốt của Bửu Bác&là những bài ca xuất hiện trong thời kỳ phôi thai của Gia Ðình Phật Tử. Hai bài ca thường được dùng trong sinh hoạt của Ðoàn, thứ nhất là bài Sen Trắng "Kìa xem đoá hoa trắng thơm, nhìn hào quang chiếu sáng trên bùn" là bài ca mở đầu cho buổi sinh hoạt thường xuyên hay định kỳ, thứ hai là bài Dây Thân Aùi "Dây Thân Ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa", hát lúc sắp chia tay, là những bài ca xuất hiện trong cùng thời kỳ nay vẫn còn làm vương vấn biết bao nhiêu kỷ niệm cho nhiều lớp tuổi. Bài Dây Thân Ái cho đến nay, rất nhiều người vẫn chưa biết ai là tác giả!
 Tác giả của huy hiệu Hoa Sen và bài ca Dây Thân Ái là Ông Lê Lừng, nay ngoài 80 tuổi.
Việc anh Lừng góp công sức sáng lập Gia đình Phật Hóa Phổ, khởi đầu từ miền Trung, theo anh, là do nhân duyên cả. Anh ấy vẽ huy hiệu hoa sen vào khoảng năm 1939 hay 40. Lúc bấy giờ, anh Lừng và Ông Lê đình Luân, con trai của Bác sĩ Lê đình Thám, là Hướng đạo sinh Ðoàn Ðinh Bộ Lĩnh ở Huế. Gia đình không cho anh gia nhập Hướng đạo. Không thực hiện được ý thích của mình, lại thêm bản tánh chuộng tự do, anh ấy bèn mua một chiếc xuồng nang khá rộng rãi sống như kiểu thoát ly gia đình. Ban đêm thì ngủ ở xuồng, ban ngày đi ăn cơm tháng, đi dạy học và viết bài cho Bác sĩ Lê đình Thám. Nghề tay trái lúc đó là Tốc ký viên nghiệp dư, viết bài hay viết kinh do Ông Thám đọc để hiệu đính lại và cho đăng trên báo Viên Âm. Tiền kiếm được do dạy học và viết bài cho báo.
Lúc đó, đời sống thật lãng mạn vô cùng. Ban đêm, còn gì sung sướng bằng, nghêu ngao giữa giòng Hương Giang lững lờ, cho thuyền trôi về Cồn Hến rủ vài đứa em cùng đoàn Hướng đạo đi ngược giòng nước rong chơi, hò hát trên sông, rồi ngủ thiếp trên xuồng khi nào không hay. Có khi, xuồng neo trên Huế, dây neo đứt từ hồi nào, xuồng nhẹ nhàng trôi qua Cồn Hến, đến một nơi nào xa lạ, sáng ngủ đậy mới hay, anh lại phải chèo ngược lên Huế. Cũng nhờ chiếc xuồng đó mà ngày ngày anh Lừng chèo lên Bến Ngự làm việc kiếm tiền, trưa chèo về dạy mấy em nhỏ. Các em nhỏ nầy là con nhà nghèo, con của giới cu ly xe kéo, của giới bán hàng rong, ngủ đường ngủ chợ, cù bơ cù bấc, nghèo đói. Anh đã dạy cho các cháu học, đặt bài hát tiếng Việt cho các cháu ca hát vào những đêm trăng.

Về sau, lụt trôi mất chiếc xuồng, anh Lừng phải đi bộ từ Ðập Ðá lên đến Bến Ngự để làm việc. Gia đình Bác sĩ Thám thấy anh Lừng sống lang bạt, bảo về sống chung trong gia đình. Trong gia đình Ông Thám, chiều nào cũng tụng kinh. Anh em trong nhà và các em nhỏ trong xóm cũng đến tụng kinh buổi chiều. Nhân dịp nầy anh Lừng bàn với con Ông Thám thành lập một đoàn hướng đạo rồi gọi là Hướng đạo Phật tử. Ý kiến nầy được Ông Thám chấp thuận nhưng thay vì lấy tên Ðoàn Hướng Ðạo Phật Tử thì lấy tên là Gia đình Phật Hóa Phổ. Nếu lập Ðoàn Hướng đạo thì phải xin phép thêm rắc rối, chi bằng cứ coi là đoàn của gia đình, phổ biến Phật học trong phạm vi gia đình thôi. Từ đó, Gia đình Phật Hóa Phổ Tâm Minh (Tâm Minh là pháp danh của Ông Thám) hoạt động, và Gia đình Phật Hóa Phổ là một tổ chức Gia đình Phật tử đầu tiên vậy.
Gia đình Phật Hóa Phổ có mục đích phổ biến đạo Phật, dạy cho các em nhỏ biết lòng tin chân chánh, theo đạo đúng đắn, không bị mê tín dị đoan làm mê lầm. Lần lượt các nơi khác ở Huế cũng thành lập theo mô thức đó, chẳng hạn như gia đình Ông Tôn thất Tùng ở Bến Ngự do Ông Ðinh văn Nam mà anh Lừng lúc đó gọi là anh Nam (nay là Hòa Thượng Thích Minh Châu) phụ trách, ở Vỹ Dạ có gia đình Ông Nguyễn khoa Toàn, ở Bến Ngự còn có gia đình Ông Nghè Khác. Chủ trương lúc đó là ngăn cấm không cho các em nói tiếng Việt pha tiếng Pháp, hễ nói tiếng Pháp thì phải nói nguyên câu. Những lần đi cắm trại gần Nam Giao như Tứ Tây, Trúc Lâm, Tây Thiên, hay trong các rừng Thông tại Huế, anh Lừng làm Trại trưởng. Khi về nhà anh ta viết một bài tả lại cuộc cắm trại đó và đăng trên báo.
Khi Ðoàn Phật Hóa Phổ đã đông, anh Lừng tự hỏi tại sao mình không có một huy hiệu đeo trước ngực như anh em bên Hướng đạo khi làm lễ tuyên thệ có đeo huy hiệu Hoa Huệ (fleur de Lis). Anh Lừng bèn tự ý vẽ ra, không bắt chước của ai, cũng không phải "do nằm mộng" thấy hoa sen, miễn sao đơn sơ và đẹp. Sau nầy có Ðoàn Phật Học Ðức Dục, gồm những vị có học thức mà muốn tìm hiểu thêm Phật giáo, cũng dùng huy hiệu hoa sen nầy nhưng thêm mấy chữ viết tắt PHÐD ở phía trên. Ðoàn Phật Học Ðức Dục gồm các em lớn tuổi hơn các em trong Gia đình Phật Hóa Phổ, do Bác sĩ Thám dắt dìu nhằm đào tạo thanh niên trí thức làm rường cột cho việc hoằng dương chánh pháp. Nhưng anh Lừng không ngờ sau khi rời khỏi Huế vào Nam làm Kiểm lâm, huy hiệu hoa sen lại được phổ biến khắp toàn quốc, nhất là miền Trung. Từ chùa chiền, đình miếu, hay trụ sở các Hội Phật học, cho đến các quan tài cũng trang trí hình hoa sen đó. Cũng trong thời gian trên, bài hát Dây Thân Ái ra đời cùng với nhiều bài hát khác.
Anh Lừng hiện nay cùng gia đình ở Gia Ðịnh nhưng dưới nhãn quan của anh, anh đã xuất gia. Bởi vì xuất gia là gì, theo anh, là ra khỏi ngôi nhà phiền não, chớ không có gì khác. Bỏ qua những gì canh cánh bên lòng, nhất là những việc trước mắt, không thể hay chưa thể thực hiện được. Việc gì có thể bỏ qua được cho nhẹ nhàng thì bỏ qua đi: không trách ai, giận ai, phiền ai cả. Giữ tấm lòng thanh thản nhẹ nhàng, quên đi những ân oán cũ, hay những phiền não cũ mà hiện nay thấy là vô ích. Nói chung, tránh phiền não.
                                                                                                                          Tâm Hảo Hồ Phùng

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

GIEO HẠT GIỐNG LÀNH


(GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ)


15 tháng 9, 2009


Lời biên tập: Khóa Hội Thảo Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ được tổ chức tại miền Nam California từ 19-9-2009 đến 20-9-2009 với nội dung: “Giáo Dục Trong Gia Đình Phật Tử”. Diễn giả trong khóa hội thảo là TT. Thích Từ Lực, ĐĐ. Thích Đạo Quảng và GSTS. Trần Kiêm Đoàn. Sau đây là bài tham luận của diễn giả TKĐ trình bày trong hội nghị.


Thêm một em oanh vũ
Gieo một hạt giống lành
Tươi mới đóa sen xanh
Nhú trên đài hoa cũ.
Thơ N.T
Từ nguồn gốc, Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) là một tổ chức giáo dục. Một hệ thống giáo dục đặt căn bản trên tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng Mãnh (Bi,Trí, Dũng) của đạo Phật. Trong lịch sử gần 60 năm, GĐPT là một biểu tượng linh động cho thế hệ trẻ trong các sinh hoạt chùa chiền tự viện. Đó là đội ngũ của những người tuổi trẻ Phật tử từ tuổi ấu thơ (ngành oanh) cho đến thanh thiếu niên (ngành thiếu). Dù ở trong bất cứ cấp độ nào, giáo dục vẫn là phương tiện nòng cốt để xây dựng và phát huy một tổ chức hay đoàn thể có kỷ cương.

I. Nhìn lại đường lối giáo dục truyền thống trong GĐPT.

Lần đầu tiên, lễ Phật đản năm Ất Hợi (10/05/1935) do Hội An Nam Phật học tổ chức rầm rộ tại Huế. Và đây cũng là lần đầu, tuổi trẻ chính thức được tham gia lễ Phật với một tư thế riêng chứ không phải chỉ là bóng mờ quen thuộc của các em bé lẽo đẽo theo bà ngoại đến chùa. Có tất cả 52 “em”, đồng phục tươm tất, đi theo hàng ngũ chỉnh tề trong đoàn rước Phật, mang hoa sen, vừa đi vừa hát theo điệu Đăng đàn cung với bài hát: "Vui mừng gặp ngày nay mồng 8 tháng tư. Ngày khánh tiết, Phật Thích Ca ngài, hiện về Ca Tỳ La Vệ...". Hiện tượng tuổi trẻ giữa đời, sống đạo bằng con ngườì thật đã cuốn hút sự quan tâm của thế hệ đàn anh. Một vấn đề mới mẽ bắt đầu thành hình: Tuổi trẻ với Phật giáo.
Ngày 10-08-1938, trong bài diễn văn khai mạc đại hội thường niên của hội An Nam Phật học, ông hội trưởng Lê Đình Thám đã xác định: "Không có một thành tựu vững bền nào mà lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên. Các em sẽ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai...". Hai năm sau, năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục (TNPHĐD) ra đời với sự bảo trợ của Hội An Nam Phật học và sự hướng dẫn trực tiếp của một Phật tử có uy tín hàng đầu về kiến thức Phật học uyên bác và tinh thần cải cách cấp tiến là bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Bước đầu, đoàn TNPHĐD quy tụ được một lực lượng nhân sự uy tín và hùng hậu với sự tham gia nhiệt tình của các anh: Phạm Hữu Bình (đoàn trưởng), Đinh Văn Nam (đoàn phó), Ngô Điền (thư ký), Võ Đình Cường, Ưng Hội, Tráng Thông, Đinh Văn Vinh, Ngô Thừa, Nguyễn Hữu Quán, Nguyễn Khải, Lê Kiểm, Phạm Quy, Hoàng Ngọc Phu, Lê Đình Duyên, Lâm Công Định...
Đoàn TNPHĐD đã nổi bật trong sinh hoạt Phật giáo đương thời vì “tuổi trẻ hành đạo” vừa là một hình ảnh tiền phong, vừa là một khái niệm rất tươi mới, sinh động, trẻ trung và cuốn hút trong sinh hoạt tôn giáo vốn từ lâu được xem là chỉ quy tụ toàn các bậc cao niên trưởng thượng. Đoàn đã thành lập cơ sở văn hóa Phật giáo cho tuổi trẻ đầu tiên tại nước ta với sự ra đời của Phật Học Tùng Thư. Các tác phẩm về tuổi trẻ và đạo Phật có giá trị được xuất bản như: Thanh Niên Đức Dục của Đinh Văn Nam, Phật Giáo và Thanh Thiếu Niên Đức Dục của Phạm Hữu Bình, Đời Vui của Ngô Thừa, Nghĩa Chữ Nho của Nguyễn Hữu Quán, Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường… Song song với sinh hoạt văn hóa, các chương trình sinh hoạt tập thể năng nỗ và phong phú cũng được xây dựng như: Hoạt động thanh niên, giáo dục Phật pháp, Phật học thực hành…
Nhu cầu tổ chức, đoàn ngũ hóa mang tính giáo dục cho tuổi trẻ Phật tử trở thành một nhu cầu thời đại trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam. Lễ Phật đản năm 1944 tại đồi Quảng Tế - Huế, các đơn vị thanh niên Phật học, Hướng đạo Phật giáo, Đồng ấu Phật học... họp đại hội và khai sinh tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ. Đó là tiền thân của Gia Đình Phật Tử ngày nay. “Phật hóa phổ” nói một cách nôm na là đem đạo Phật đến với mọi người. Với tuổi trẻ là giáo dục Phật học cho thế hệ đàn em. Bốn Gia đình Phật Hóa Phổ đầu tiên được thành lập tại Huế là Gia đình Tâm Minh, Tâm Lạc, Thanh Tịnh và Sum Đoàn do các cư sĩ Lê Đình Thám, Phạm Quang Thiện, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng. Về mặt giáo dục Phật học, các huynh trưởng tiền phong là các nhà giáo, nhà văn có tinh thần và kiến thức Phật học vững vàng. Các anh đã phụ trách hai phần chính là: Soạn thảo tài liệu giáo khoa và huấn luyện giảng dạy. Về mặt hoạt động thanh niên, các huynh trưởng đầu tiên trong đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục phụ trách hướng dẫn sinh hoạt theo mô thức của Hướng Đạo Sinh thế giới. Hệ thống Gia Đình Phật Hóa Phổ càng ngày càng lớn mạnh theo đà phát triển của đạo Phật trong cả nước.
Gia Đình Phật Tử Việt Nam được chính thức thành lập. Đại hội Gia Đình Phật Hóa Phổ tổ chức tại Huế vào 3 ngày 24, 25 và 26 tháng 4 năm 1951 tại chùa Từ Đàm Huế với sự tham dự của đại biểu từ Bắc vào Nam gồm có: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Viên, Bình Thuận, Đồng Nai. Đại hội đã đồng thuận chọn một danh xưng thống nhất, do các huynh trưởng tiền phong là các anh Đinh Văn Nam, Ngô Thừa, Võ Đình Cường, Phạm Hữu Bình, Võ Hữu Quán đề nghị. Đó là tên gọi GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM chung cho Gia Đình Phật Hóa Phổ và các tổ chức thanh niên, hướng đạo, đồng ấu Phật tử… đang còn trong giai đoạn sơ khai.
Năm 1953, khi đại hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam lần thứ hai được triệu tập tại Huế, với sự tham dự đông đảo và rộng khắp của các đại biểu 3 miền Trung, Nam, Bắc thì tổ chức GĐPT mới thật sự đi vào nề nếp ổn định, kiện toàn tổ chức. Đại hội đã soạn thảo chương trình tu học cho các ngành, các cấp, thống nhất hình thức, tổ chức, đồng phục, huy hiệu, phù hiệu...
Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ đó tồn tại và phát triển theo lịch sử thăng trầm của đạo pháp và dân tộc. GĐPT về chiều sâu cũng như chiều rộng đã thật sự trở thành một “gia đình tâm linh” của tuổi trẻ Phật tử Việt Nam. Từ năm 1975 đến nay, một số các thành viên cũ và mới của GĐPT Việt Nam cũng có mặt trong những đợt người Việt đi ra nước ngoài. Sau một thời gian ngắn tan tác và chao đảo theo hoàn cảnh mới ở nước ngoài, các huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT đã nhanh chóng tập hợp lại trong mỗi địa phương có sinh hoạt chùa chiền, tự viện, tăng ni và Phật tử. Những đơn vị GĐPT bắt đầu tái hình thành và phát triển bất cứ nơi đâu có quý tăng ni, Phật tử và chùa chiền ở khắp các nước trên thế giới.
Trong hoàn cảnh xã hội còn xa lạ ở nước ngoài với một địa bàn cư trú quá rộng rãi, bao la, trải dài từ Á sang Âu, tổ chức GĐPT Việt Nam phải đối diện với những thử thách mới chưa từng có trước đây.
Bên cạnh hoàn cảnh riêng, đạo Phật và GĐPT Việt Nam còn phải đương đầu với những thử thách chung. Đó là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và môi trường truyền thông đại chúng đã làm thay đổi môi trường sống cùng tri thức và tâm lý con người quá nhanh chóng.
Trong khoảng thời gian 30 năm qua, GĐPT Việt Nam đã có nhiều cố gắng vừa để hội nhập với điều kiện và hoàn cảnh mới; vừa nỗ lực vươn lên để khỏi bị lão hóa, lạc hậu, xa rời thực tế. Thế nhưng hạt giống bồ đề, tuy có đâm chồi nẩy lộc, nhưng bóng mát hành đạo vẫn còn bị lay động qua nhiều gai góc. Tình trạng phân biệt, phân hóa, phân vùng, phân tổ chức… đã xảy ra và vẫn còn dậm chân tại chỗ. Trong những phương kế khả thi, ngỏ hầu giảm thiểu được thực trạng tiêu cực đang trở thành “chướng duyên” cho tuổi trẻ Phật tử trên đường tu học, giáo dục vẫn là nền tảng vững chắc để làm chỗ dựa cho thế hệ Phật tử đàn anh dùng để nuôi dưỡng và uốn nắn thế hệ đàn em.
 
II. Đặc tính tiêu biểu của một nền giáo dục theo tinh thần Phật giáo.

Tôn giáo nói chung là một hệ thống giáo dục khép kín hay mở rộng dựa trên một hệ thống lý thuyết hay triết lý nào đó đã trở thành đức tin và chỗ dựa tạm linh. Đó thường là lời dạy có giá trị thiêng liêng và đầy tôn kính nhất của một đấng chí tôn mà người theo tôn giáo đó tin tưởng và tôn thờ. Giáo dục đời thường mang ý nghĩa tri thức và thực dụng phục vụ cho đời sống hiện thực. Giáo dục tôn giáo mang ý nghĩa đức tin và hành đạo phục vụ cho đời sống tâm linh. Bởi vậy, vì yếu tính khác nhau nên phương tiện cũng khác nhau. Khác nhau giữa thế giáo và tôn giáo đã đành; nhưng ngay trong lĩnh vực thuần túy tôn giáo vẫn hoàn toàn khác nhau từ tôn giáo nầy đến tôn giáo khác. Thậm chí, có khi trái ngược nhau như nước với lửa; tùy theo cách nhìn về mối tương quan của con người với vũ trụ (vũ trụ quan), về cách nhìn thế giới (thế giới quan) và cách nhìn con người (nhân sinh quan). Hầu như mỗi tôn giáo đều có một đấng tiên tri thay mặt cho Thượng Đế tới cõi trần gian để làm các vị giáo chủ như: Đức chúa Jesus Christ (đạo Chúa), Abraham (đạo Do Thái), Muhammed (đạo Hồi), Vishnu (đạo Hindu, Ấn độ)… Chỉ có đạo Phật là tìm thể tính (be, essence, nature) của con người ngay trong sự hiện hữu của chính nó – duy ngã độc tôn – để xác định và giải quyết vấn đề hệ lụy nhân sinh và giải thoát giữa cuộc đời nầy. Bởi vậy, giáo dục trong Phật giáo không phải là một sự rao giảng mang tính tẩy não hay phải áp dụng những nguyên tắc lý thuyết đầy áp đặt mà đấy là một quá trình rèn luyện nhân cách từ u tối, mù mờ (vô minh, tà) đến chỗ sáng suốt, hiểu rõ (trí tuệ, chánh).
Giáo dục là một sự nghiệp có hai vế rõ ràng: Giáo (dạy dỗ) và dục (nuôi dưỡng). Với quan niệm thông thường thì hễ có người dạy, tất phải có kẻ học. Học để khỏi dốt (Dĩ học dũ ngu). Nhưng khái niệm “học” trong đạo Phật không hẳn là theo ý niệm thông thường ngoài đời. Truyền đạt không phải lúc nào cũng dùng tới lời nói; tiếp thu không phải lúc nào cũng qua trung gian dạy và học. Tăng đoàn thời Phật còn tại thế bao giờ cũng bao gồm hai đối tượng: Các bậc hữu học và các bậc vô học. “Hữu” và “vô” ở đây không mang ý nghĩa là “có” (tích cực) và “vô” (tiêu cực) trong khái niệm giáo dục đời thường. Các bậc vô học đã tu tiến và chứng ngộ không qua phương tiện giáo dục theo hình thức thông thường. Bởi thế, cái “học” cao nhất trong Phật giáo là sự quán niệm và chứng ngộ trực tiếp. Nhiều trường hợp vẫn là “không thầy riêng mầy làm nên” (vô sư tự ngộ). Các bậc thánh tăng như Lục Tổ Huệ Năng, tuy mù chữ đời thường, nhưng tri thức giác ngộ cốt tủy của đạo Phật thì vô cùng uyên áo.
Thời cận đại, đạo Phật Việt Nam đã đầu tư vào giáo dục tuổi trẻ qua một hệ thống trường ốc tiêu chuẩn và các viện Phật học. Hệ thống trường Bồ Đề nhắm vào một nền giáo dục phổ thông và đại chúng. Các học viện Phật học ở Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Sài gòn, Hà Nội… nhắm vào việc giáo dục các học tăng, học ni còn trẻ. Hệ thống trường tiểu và trung học Bồ Đề mở rộng khắp các tỉnh miền Nam thường được xem là tiêu biểu cho khuynh hướng giáo dục Phật giáo. Thật ra, trường Bồ Đề nổi lên như một thương hiệu giáo dục có ít nhiều liên quan đến sinh hoạt Phật giáo hơn là mang bản chất giáo dục Phật giáo. Tuy rằng, trường Bồ Đề có giảng dạy một số giờ giáo lý song song với giáo trình theo tiêu chuẩn phổ thông; nhưng mục tiêu rốt ráo của nhà trường vẫn là đào tạo học sinh thi đỗ, vào đời như tất cả các trường tư nhân và công lập khác. Hoặc cao hơn trong hệ thống giáo dục Phật giáo là viện đại học Vạn Hạnh, nơi quy tụ tăng ni danh tiếng và giới học giả hàng đầu của miền Nam một thời, thì vẫn còn nằm trong quỹ đạo của một nền giáo dục khoa bảng hơn là thoát xác thành một đại học Phật giáo chuyên ngành như tinh thần đại học Nalanda, một đại học Phật giáo quốc tế có quy mô đồ sộ đầu tiên được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 (427) tại bắc Ấn Độ. Ngày nay, các đại học Phật giáo thế giới như đại học Quốc Tế ITBMU (Miến Điện), đại học Buryatia (Nga), đại học Maha-Chulalongkora (Thái Lan), đại học Chi-nan (Đài Loan), đại học Nagarjuna (Ấn Độ)… đều là những trường đại học chuyên về Phật học. Tín chỉ, chứng chỉ và bằng cấp của những trường nầy được hệ thống giáo dục quốc tế công nhận trong việc trao đổi sinh viên ngành Nhân chủng Xã hội (Humanities and Social Sciences) giữa các nước. Tại Việt Nam, từ năm 2007, đã có tin đặt đá xây dựng đại học Phật giáo Quảng Đức gần Sài gòn. Nhưng đến nay vẫn chưa nghe tin khánh thành và khai giảng.
Truyền thống và hệ thống giáo dục Phật giáo đại chúng và học viện vừa trình bày ở trên, không đóng một vai trò trực tiếp và thương xuyên đối với vấn đề giáo dục trong sinh hoạt của GĐPT Việt Nam 60 năm qua. Sinh hoạt của GĐPT hằng tuần có một hệ thống hàng dọc riêng từ Ban Hướng Dẫn trung ương đến từng đơn vị GĐPT chùa chiền, khuôn hội. Giáo hội và quý tăng ni đóng vai trò cố vấn tổ chức và cố vấn giáo hạnh. Lịch sử và kinh nghiệm thực tế đã chứng minh rằng, sức mạnh và tinh hoa của GĐPT Việt Nam chỉ phát huy rộng khắp, sinh động và hài hòa nhất từ thành thị đến nông thôn là khi chỉ có một ban hướng dẫn trung ương, một hệ thống tổ chức và một tiếng nói hòa hợp từ phía quý thầy, sư cô làm cố vấn giáo hạnh đến quý anh chị huynh trưởng và các cư sĩ thiện tri thức hỗ trợ. Không có chính trị đời thường xen vào lãnh đạo hay lãnh đạo xen vào chính trị.
 
III. Thử mạn đàm về một phương thức giáo dục thích hợp.
 
Không riêng gì tuổi trẻ trong tổ chức GĐPT Việt Nam mà tuổi trẻ cả nước và trên toàn thế giới nói chung, đang bước vào một thế giới mới của thế kỷ 21. Giềng mối và cấu trúc của gia đình, dòng họ, quý tộc, tên tuổi, danh thơm… của những thế kỷ trước đang bị lung lay hay thử thách trước một sự thay đổi chưa từng thấy do cuộc chạy đua tốc độ về những phát minh ngày một mới lạ trong nhìều lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật, truyền thông đại chúng, giao thông vận tải, y tế xã hội, giáo dục đào tạo.
Trong bảng thang giá trị mới (new value system), tuổi trẻ thường xuyên đối diện và bị thách thức giữa hai cặp phạm trù mới/cũ khác nhau hay có khi trái ngược nhau. Riêng đoàn sinh GĐPT Việt Nam, không nhiều thì ít, vẫn đứng bâng khuâng giữa hai quan niệm sống như hai dòng nước cần phải chọn lựa vì nước đang trôi xuôi:
- Tâm linh hay vật chất
- Cá nhân hay tập thể
- Lý tưởng hay thực dụng
- Cảm tính hay lý tính
- Cầu nguyện hay hành động
- Vì ta hay vì người
- Chấp ngã hay phá ngã…
Những cặp nhị nguyên tốt/xấu đối đãi cứ như thế kéo dài. Tuổi trẻ hoang mang buông thả hay nắm bắt một khái niệm giá trị vừa thích hợp, vừa đúng đắn không phải là điều đơn giản. Dưới sức ép xảy đến chớp nhoáng tưởng chừng như tự nhiên từ phía xã hội, gia đình, tâm lý… khiến tuổi trẻ chỉ còn biết phản ứng. Nhưng biết dựa vào đâu để có phản ứng thích hợp, khỏi bị lạc đường và giảm thiểu tai họa va chạm giữa cuộc đời muôn mặt nầy? Câu trả lời là: Giáo dục. Giáo dục phải được quan niệm và sử dụng như một ngọn đèn định hướng, giúp tuổi trẻ có một phương tiện tương đối an toàn trên đường dò dẫm tiến bước vào tương lai.
Vai trò giáo dục trong GĐPT không nhằm thay thế cho chương trình giáo dục phổ thông ngoài đời. Vì vậy, mục đích, nguyên tắc và phương thức giáo dục cần phải được soạn thảo, truyền đạt, ứng dụng linh động và thích hợp theo đối tượng và hoàn cảnh cụ thể:
1. Mục đích giáo dục:
Mục tiêu giáo dục trong GĐPT là nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân tốt của đất nước mình đang ở và những Phật tử chân chính. Giáo dục là quá trình xây dựng thế hệ trẻ về cả 4 mặt: Khởi lòng từ bi, trau giồi trí tuệ, luyện ý chí dũng mãnh và giữ được tinh thần khiêm tốn nhẫn nhục.
Hình ảnh người Phật tử chân chính của thế hệ nầy là một người đơn giản, hiểu biết, có tấm lòng nhân hậu và tư cách ngay thẳng. Đó là người có cuộc sống ổn định, có nghể nghiệp lương thiện để sinh tồn; có kiến thức Phật học cơ bản để suy nghĩ và thực hành trong đời sống; có tinh thần cầu tiến bộ và hiểu rõ chính mình để tinh tấn; biết mình là ai trong mối tương quan giữa cá nhân, gia đình, dân tộc và đạo pháp để hòa điệu sống.
Mục đích giáo dục trong sinh hoạt GĐPT không chủ yếu nhắm vào sự thành công theo quy ước đời thường như học vị, thăng chức, xếp loại, so sánh… mà cơ bản là hướng về sự thành nhân. Một bác sĩ lành nghề, có đông khách là ví dụ điển hình về sự thành công của việc học hành ngoài đời. Một cư sĩ đức hạnh, giúp được nhiều người tu học; một đoàn sinh GĐPT gương mẫu về nhiều mặt là ví dụ điển hình về sự thành nhân của việc học hành trong đạo. Phân định rõ ràng giữa mục đích đào tạo thành công và thành nhân sẽ giúp người soạn thảo chương trình và sách giáo khoa, cũng như giúp người giảng dạy chủ động chọn lựa nội dung và đường lối thích hợp.
Xa hơn thế nữa, xác định được rõ ràng mục đích của giáo dục trong sinh hoạt GĐPT để thấy rõ vấn đề nhằm chấm dứt (hay ít nhất là giảm thiểu) các hoạt động giáo dục dính mắc vào tính chất vụ hình thức, cổ xúy sự cạnh tranh ích kỷ và cục bộ. Sự cạnh tranh hình thức này thường là nguyên nhân chính của sự phân hóa, chia rẽ giữa các đơn vị GĐPT sinh hoạt gần nhau.

2. Nguyên tắc giáo dục:

Mỗi lĩnh vực giáo dục chuyên môn đều có nguyên tắc thích ứng riêng cho lĩnh vực đó. Giáo dục trong GĐPT Việt Nam dựa trên những nguyên tắc lý thuyết cơ bản của đạo Phật. Bi, Trí, Dũng là nguyên tắc hành xử của GĐPT. Tuy nhiên, qua quá trình giảng dạy, học tập và thực hành, tinh thần Bi, Trí, Dũng thường được hiểu một cách máy móc và diễn dịch giới hạn nên chưa phát huy được tác dụng trong nhiều hoàn cảnh và thời đại mới như hiện nay.
Cần minh định lại nội dung Bi, Trí, Dũng áp dụng cho GĐPT.
Bi: Là Từ Bi. Lòng từ bi là tình thương không phân biệt của đạo Phật. Người có lòng từ bi lấy đôi mắt thương yêu nhìn cuộc đời. Tình thương xuất phát từ lòng từ bi không phải là một sự ban phát tình cảm thương hại của một người đứng trên tư thế cao hơn hay hạnh phúc hơn nhìn xuống kẻ bất hạnh bên dưới. Từ bi là một sự cảm thông và chia sẻ bình đẳng, nhìn người được giúp với lòng trân trọng như nhìn một vị Phật tương lai. Tuổi trẻ trang bị lòng từ bi sống đơn giản và chân thành với chính mình và với ngươi khác. Đi xa hơn trong quan hệ sinh hoạt tập thể, tuổi trẻ có lòng từ bi không phân biệt ta với người, đơn vị mình với đơn vị bạn. Do đó, luôn luôn có sẵn một tinh thần hiếu hòa và hóa giải; không chê của người, không khen của ta. Sự thống nhất GĐPT không bắt nguồn từ hình tướng phía nầy hay phía khác mà phải có cội nguồn từ lòng từ bi. Càng phân biệt, chỉ trích, phê phán nhau thì càng xa nhau và đào sâu thêm sự phân hóa. Càng tao ra sự kỳ thị, đương đầu, thách thức thì lòng từ bi càng nghèo nàn và vắng bóng. Bởi vậy, trong giáo dục GĐPT, nguyên tắc Từ Bi là nguyên tắc cơ bản của tâm hồn
cần phải được nhắc nhở và thực hành thường xuyên trong mọi hình thức suy nghĩ, cư xử và sinh hoạt.
Trí: Là Trí Tuệ. Trí Tuệ sáng suốt không giới hạn của đạo Phật.
Nhà Phật phân biệt hai loại trí tuệ: Trí hữu sư và trì vô sư . Trí tuệ hữu sư có được do kiến thức tích lũy qua quá trình nghe, suy tư và tu theo lời dạy của bậc làm thầy hay thiện hữu tri thức (Văn-Tư-Tu). Trí vô sư là trí tuệ tự mình phát khởi do chính mình cố công nghiêm trì giới luật và giữa tâm an định (Giới-Định-Huệ).
Trí tuệ tuổi trẻ trong GĐPT cần cả hai để có được cái nhìn bao quát và sâu sắc; sẵn sàng mở rộng tầm nhìn để đón nhận và học hỏi cái mới. Tuy nhiên, nếu cứ khư khư bảo thủ cái cũ hay nhắm mắt chạy hùa theo cái mới là hai trường hợp cực đoan của sự thiếu vắng trí tuệ. Trong một xã hội mà bộ mặt “văn hóa thế giới” đang thay đổi nhanh chóng từng giây, từng phút về khoa học kỹ thuật, về phương tiện truyền thông và giao lưu như hiện nay, tuổi trẻ cần phải được giáo dục về trí tuệ giải thoát của đạo Phật. Đạo Phật lấy trí tuệ giải thoát làm căn bản. Tất cả đều là phương tiện để đạt mục đích cuối cùng là sự an lạc trong cuộc sống và lý tưởng giải thoát. Tuổi trẻ thường xuyên bị dính mắc với phương tiện mà quên cứu cánh như ngồi trên chiếc xe êm dịu mà không biết về đâu hay ngồi suốt ngày trên máy vi tính chỉ để vui chơi như người ham mê cờ bạc là có phương tiện tốt mà không có mục đích, lý tưởng giải thoát rõ ràng.
Dũng: Là Dũng Mãnh. Dũng Mãnh là tinh thần vô uý (không sợ hãi), vượt thắng những chướng ngại, khai quang con đường phải đi và vững vàng tiến tới. Đó là sự tinh tấn của người Phật tử. Dũng mãnh không đồng nghĩa với thái độ xốc nổi mù quáng, lăn xả vào mọi sự hiểm nguy không đúng lúc, chỉ biết tiến tới mà không biết lùi. Đương đầu với bạo lực vô minh hay xông pha vào hang hổ đói không phải là dũng mãnh mà là vọng động cuồng điên. Giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần dũng mãnh là phải biết tiến tới hay thoái lui đúng lúc. Tinh thần dũng mãnh của đạo Phật thể hiện bằng sự quán sát kỹ càng, hành xử quyết đoán đúng lúc; làm điều phải không sợ hãi; can đảm chấp nhận cái sai đề sửa đổi (sám hối); không để sự bất tịnh, sai trái, mê hoặc của lòng tham dục và tà kiến của ma vương lôi kéo quật ngã.
Xin thêm một đề nghị:
Trong 3 nguyên tắc giáo dục của tinh thần Bi, Trí, Dũng có một sự mặc nhận (hiểu ngầm) không có lợi cho vấn đề giáo dục tuổi trẻ, đó là nguyên tắc thứ 4: Khiêm. Khiêm Nhẫn là khiêm tốn và nhẫn nhục mà các bậc thức giả thường cho rằng, tính khiêm nhẫn được “mặc nhiên gói ghém” trong Bi, Trí, Dũng vì một khi đã có tình thương, trí tuệ, dũng mãnh thì sự khiêm tốn và nhẫn nhục tự động xuất hiện. Trên thực tế, sự suy diễn nầy đi quá xa ngoài tầm tay với của tuổi trẻ. Với tuổi trẻ, những nguyên tắc nào hợp với khế cơ hay khế lý cần phải được ghi nhận và minh định rõ ràng. Vì vậy, trên nguyên tắc giáo dục GĐPT, xin được đề nghị là: Bi, Trí, Dũng, Khiêm. Trong vài ba thập niên gần đây, hiện tượng người Phật tử Việt Nam, nhất là tuổi trẻ Phật tử đã có những biểu hiện sa sút về đức khiêm tốn và nhẫn nại. Đó là sự phân hóa giữa các đơn vị GĐPT. Thế hệ đàn anh có khuynh hướng cường điệu và quá chấp chặt với quá khứ. Thế hệ đàn em phản kháng quay lưng để nhìn về hiện tại và tương lai. Thái độ khiêm nhẫn trong nội bộ đã khó; sự khiêm nhẫn trong quan hệ bên ngoài có vẻ còn khó hơn. Phát huy đức tính khiêm nhẫn tức là trực tiếp tạo ra sự tôn trọng hai chiều, biết chịu khó lắng nghe, cẩn trọng trong việc ra chỉ thị, quyết định gây chia rẽ không cần thiết. Áp dụng thêm nguyên tắc khiêm nhẫn trong giáo dục là góp phần tích cực hàn gắn và hóa giải sự phân hóa đang làm đau lòng mọi Phật tử có đạo tâm trong hoàn cảnh hiện nay,
3. Phương thức giáo dục:
Mỗi phương thức giáo dục đều có một tác dụng với từng đối tượng đặc biệt. Phần sau đây, thử góp ý, phân tích và chia sẻ những nét tiêu biểu về một đường hướng giáo dục tương đối thích hợp và cần thiết nhất là có thể áp dụng được (khả thi) cho tuổi trẻ và gia đình Phật tử Việt Nam trong hoàn cảnh cụ thể trước mắt.
Giáo dục truyền thống trong đạo Phật có rất nhiều hình thái khác nhau tùy theo hoàn cảnh, trình độ và căn cơ của người theo học (pháp dùng phương tiện). Tuy nhiên, các hình thức thông thường nhất là:
- Trí giáo hay ý giáo: Dạy dỗ và truyền đạt bằng kiến thức trong sách vở và kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống.
- Ngôn giáo hay khẩu giáo: Dạy dỗ và truyền đạt bằng lời giảng giải, thuyết phục; khuyên bảo trực tiếp bằng lời nói.
- Đức giáo: Dạy dỗ và truyền đạt bằng chính tấm gương trong sáng về cuộc sống đạo đức và hạnh lành của bậc làm thầy.
- Thân giáo: Dạy dỗ và truyền đạt bằng hành động bản thân của người thầy có đầy đủ các biểu tượng của từ bi, trí tuệ, dũng mãnh và khiêm nhẫn.
Thân giáo là một phương thức giáo dục quan trọng nhất trong các phương thức giáo dục Phật giáo.
Thân giáo có hai mức độ: Tự thân giáo và thọ thân giáo.
Tự thân giáo là chính bản thân mình tự trau giồi kiến thức, nhân cách, quán niệm, điều tâm, tu dưỡng để chuyển hóa thân tâm theo đường chánh đạo. Người tự thân giáo nương cậy chính vào tự lực, phát huy sức mạnh nội tại của chính mình. Tự thân giáo đòi hỏi người thực hành có một năng lực tập trung và tinh thần tự giác cao độ.
Thọ thân giáo là thu thập và học hỏi qua nhân cách, đạo hạnh, uy vệ của người thuyết giảng. Trong GĐPT, hình ảnh của thầy cô cố vấn giáo hạnh, của bác gia trưởng, của quý anh chị trong ban Huynh trưởng đóng một vai trò thân giáo rất quan trọng trong việc giáo dục các em. Người giảng dạy dẫu có kiến thức phong phú , lời nói hay ho đến mức nào mà phong cách không trang nghiêm, tên tuổi không trong sáng, lời nói không đi đôi với việc làm thì làm sao có đủ sức chứng minh, thuyết phục và và chuyển đổi được đối tượng nghe giảng. Trong giáo dục, thân giáo được xem là chuẩn mực, là quy phạm để người giảng dạy tự suy xét chính mình. Một anh chị huynh trưởng GĐPT mang tai tiếng thì làm sao cầm còi, hướng dẫn các em đoàn sinh là điều hay lẽ phải. Kẻ nói năng thiếu xác tín, lên tiếng khuyên đàn em phải làm điều lành, tránh điều dữ trong lúc bản thân mình là đối tượng phạm pháp, mang tai tiếng tranh quyền đoạt vị, mất uy tín với gia đình và xã hội thì thật là điều mỉa mai và phản tác dụng với thế hệ đàn em. Nếu thân không nghiêm, hành động thiếu quang minh chính đại thì mọi lời nói và việc làm đều không có giá trị đạo đức và giáo dục. Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú rằng:
Trước nhất tự luyện mình
Đạo hạnh thành chân chính
Sau mới giáo hóa người
Thân trí đồng tương kính
Sống là học tập. Giáo dục xuất hiện dưới nhiều dạng thức. Giáo dục trong GĐPT là một quá trình tổng hợp của chư tăng ni, đại chúng Phật tử, gia đình đoàn sinh và GĐPT. Nguyên tắc phương thức giáo dục nào cũng đều có thế mạnh và thế yếu. Nhưng trên tất cả vẫn là thế đứng và sự kế thừa của thế hệ trẻ trong lòng đạo pháp và dân tộc trong khi thế hệ già đang từ từ vắng bóng theo luật tự nhiên.

IV. Đề nghị một sự chấn chỉnh cấp thời.

Trước khi GĐPT chính thức ra đời, trước năm 1945, đạo Phật tại Việt Nam là một tôn giáo của các bậc cao niên, trưởng thượng. Phật giáo dần dần bị lão hóa. Chùa chiền là việc của chư tôn đức và của các ông già bà lão!
GĐPT Việt Nam đã làm cho đạo Phật Việt Nam sinh động với một hình ảnh mới: Tuổi trẻ hành đạo. Tuổi trẻ đã cùng với tuổi cao niên đi chùa, lễ bái, làm Phật sự, tu học.
Tuy nhiên, trong khung cảnh chùa chiền, tự viện tôn nghiêm cộng với truyền thống văn hóa gia trưởng phụ quyền lâu đời, tuổi trẻ Phật tử chưa phát huy được thế chủ động cần thiết của mình. Tình trạng “thầy đâu trò đó” đã làm cho tuổi trẻ Phật tử không vươn lên khỏi vai trò chỉ để “trang hoàng” và phụ thuộc trong các sinh hoạt chùa chiền. Thực trạng càng xót xa hơn khi tuổi trẻ Phật tử tươi mát và hồn nhiên bị thế hệ đàn anh lợi dụng. Trong những năm qua, không ít đơn vị GĐPT đã bị giới đàn anh cầm đầu lèo lái và sử dụng vào những hoạt động phi Phật giáo như chính trị, kinh tế, xã hội.
Nếu đi sâu vào chuyên môn, không ai có thể chối bỏ được sự thật rằng, hoàn cảnh đã đổi thay, tri thức tuổi trẻ hiện đại cùng lứa tuổi đã tăng lên nhiều lần so với tuổi trẻ thời tiền chiến (1930-1945). Tâm lý tuổi trẻ của thời kỳ kinh tế thị trường và văn hóa thế giới cũng đã chuyển đổi mãnh liệt: Độc lập, mạnh dạn, tích cực và chủ động hơn xưa. Thế nhưng, trong sinh hoạt nội bộ của GĐPT, những nguyên tắc và lề lối sinh hoạt “truyền thống” không thay đổi kịp với tốc độ thực tế. Lề lối sinh hoạt có nơi, có chỗ đã quá lỗi thời, không còn thích hợp cho nhu cầu tri thức và tâm lý thực tế của tuổi trẻ Phật tử muốn tinh tấn tu học.
Xin đơn cử một số vấn đề tồn tại tiêu biểu:
- Về Phật pháp: Chương trình Phật pháp được các bậc huynh trưởng tiền phong soạn thảo hơn 50 năm qua mang đậm tính quốc văn giáo khoa thư và ứng dụng phương pháp truyền thụ kiến thức thụ động một chiều vẫn không có gì thay đổi, cập nhật.
- Về kinh sách: Chỉ nói đến những nghi thức tụng niệm đơn giản dùng hằng ngày mà thôi thì cũng đã thiếu sự thống nhất giữa các chùa và các đơn vị. Văn cổ học chữ Hán tối tăm khó hiểu xen lẫn với văn thuần Việt dịch nghĩa chưa được hoàn thiện trong các kinh sách hiện dùng là một vấn đề thiếu sót và cản trở nghiêm trọng trong việc tu học. Thực tế là các bậc phụ huynh còn chưa hiểu nổi thì làm sao tuổi trẻ – nhất là khi các em ở nước ngoài, nói tiếng nước ngoài – lại có đủ sức để hiểu, để yêu mến và ham thích học Phật cho được.
- Về hoạt động thanh niên: Nội dung lễ nhạc, các bài hát tập thể, các trò chơi sinh hoạt, các môn sinh hoạt ngoài trời… vẫn chỉ mới ở mức độ tạm “sống còn”, chưa tạo ra được sự sinh động và cuốn hút cho tuổi trẻ. Trong lúc đó, thế giới “games” muôn màu muôn vẻ, điện thoại di động, vi tính truyền thông… đã lôi kéo nhiều tâm hồn tuổi trẻ một thời gắn bó với GĐPT ra khỏi quỹ đạo của chùa chiền.
- Về mặt lãnh đạo và chỉ đạo: Hiện trạng có tới 3 (hay nhiều hơn?) Ban Hướng dẫn GĐPT Trung Ương GĐPT tại Hoa Kỳ đã làm cho nhiều người, kể cả chư tôn đức, các nhân vật trong GĐPT, trong các đạo tràng và quần chúng… ngạc nhiên và hoang mang. Biểu hiện thông thường là giới đàn anh ở tư thế lãnh đạo không hòa hợp được với nhau, không giải quyết được những mâu thuẫn, xung đột, khác biệt nên “chia tay” và kéo theo đàn em chia GĐPT thành nhưng đơn vị ly khai nhau theo vùng, theo khuynh hướng… Sự phân hóa nầy đã làm cho hệ thống GĐPT Việt Nam Hải ngoại chững lại và khó có thể phát huy được vai trò tích cực để mong làm chiếc cầu kế thừa cho hai thế hệ Phật tử, già đang qua; và trẻ đang đến, trong dòng chảy của Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại có sự tương tác cần thiết.
Muốn xây dựng một chương trình giáo dục GĐPT lành mạnh, có hiệu quả, cần phải vận động một cuộc chấn chỉnh nội bộ GĐPT Việt Nam Hải ngoại càng sớm càng tốt. Nếu chưa có được một giải pháp hóa giải cấp thời ổn thỏa và êm đẹp giữa các thành viên có trách nhiệm đang ở vai trò lãnh đạo vả chỉ đạo, tại sao chúng ta không tạm dùng phương thức “đa lưu chi” (nhiều nguồn nhánh) theo mô thức dân chủ pháp trị đa nguyên của Mỹ. Nghĩa là các đơn vị GĐPT vẫn giữ nguyên vị trí của mình như hiện nay, nhưng đại biểu của đơn vị có thể ngồi lại với nhau – như các đảng Dân Chủ, Cộng Hoà và Độc Lập Mỹ – để hoạch định một đường lối giáo dục chung, thích nghi cho GĐPT, tiến tới một khả năng chấn chỉnh toàn diện và tốt đẹp phục vụ cho con đường giáo dục và tu học của thế hệ Phật tử đàn em nói chung.
Một hình thức “Liên Hiệp Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Ương…” trong lúc cấp thời nầy là một khả năng tích cực có thể thực hiện được tương đối công bằng và hợp lý.
Ba mươi năm qua, Phật giáo và GĐPT Việt Nam tại hải ngoại vẫn chưa qua khỏi giai đoạn “chuẩn bị” trong việc xây dựng cơ sở vật chất và nề nếp sinh hoạt nên tác dụng hoằng dương Phật Pháp chưa thâm nhập được vào xã hội phương Tây như Phật giáo Tây Tạng, Đài Loan, Tích Lan, Nhật Bản.
Thế hệ huynh trưởng GĐPT có tâm huyết và kinh nghiệm nay đều đã ngoài 60. Các anh chị không còn nhiều thời gian để đắn đo và chở đợi một giải pháp “đèn thần” nào đó đến từ bên ngoài. Sự nghiệp lớn nhất của người huynh trưởng GĐPT là sự truyền thừa một giá trị cụ thể nào đó cho các em. Chúng ta chỉ còn lại một tấm lòng và một sự hy sinh cần thiết để cởi bỏ những định kiến, mặc cảm, hiểu lầm hay chưa hiểu hết… để ngồi lại với nhau.

V. Kết luận.

Tiêu đề cho khóa hội thảo huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 2009 là GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ. Giáo dục là một vấn đề truyền thống ngỡ như quá quen thuộc và xưa cũ; nhưng thật ra, cứ mỗi hình thái xã hội, văn hóa, thời đại nào thì có một nền giáo dục tương ứng cho hoàn cảnh đó.
Sau gần 60 năm hoạt động, GĐPTVN đang đứng trước nhiều vấn đề và nhiều thử thách mới. Nhưng 3 vấn đề nổi bật, đòi hỏi giải pháp thức thời và khả thi là:
- Tình trạng phân hóa nội bộ.
- Sự khác biệt về văn hóa, xã hội, ngôn ngữ giữa hai hoàn cảnh quê nhà và quê người; cũng như giữa hai thế già và trẻ tạo ra nhiều khó khăn, trở ngại.
- Khuynh hướng chính trị và xã hội dị biệt đưa đến cách nhìn và cách hành xử khác nhau.
- Thế hệ huynh trưởng đàn anh thiếu chuẩn bị để trao truyền sự kế thừa cho thế hệ đàn em.
Vai trò giáo dục thuần túy không phải là chiếc đũa thần để giải quyết những vấn đề khó khăn vừa nêu trên đây. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi lâu dài và cơ bản của một hệ thống tổ chức đoàn thể lớn như GĐPT phải bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục đóng vai trò gieo ý thức để chuyển hóa hành động.
Lịch sử sinh hoạt tập thể có những quy luật đào thải riêng của nó. GĐPT tất nhiên không phải là một ngoại lệ. Phương châm hành động của đạo Phật là “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Nếu chịu khó quan sát thật kỹ và tìm hiểu với thế hệ trẻ đoàn sinh GĐPT tại Hoa Kỳ thì hơn 80 phần trăm ngôn ngữ các em dùng với nhau là tiếng Anh. Văn hóa Mỹ đậm nét trong suy nghĩ và tâm hồn các em hơn là Việt. Thành phần huynh trưởng trẻ và năng nỗ nhất thì phải hết sức vất vả mới giữ cho mình ở tư thế song ngữ (bi-lingual) và song văn hóa (bi-cultural) Việt Mỹ. Thành phần huynh trưởng lớn tuổi ngày một hiếm chỉ còn đứng trong vai trò cố vấn và chỉ đạo. Thế nhưng, trên “mặt trận” quyền lực thì chính những vị cao niên nầy lại dày công vận động năng nỗ và sử dụng nhiều đòn phép bất tịnh nhất. Tại sao hiện tượng nghịch lý nầy lại tồn tại trong hệ thống GĐPT Việt Nam?
Vì tương lai của thế hệ đàn em, với trí tuệ tam bảo, cầu mong định lực của chư tôn đức và thiện tâm của chư vị có trách nhiệm đưa GĐPT vượt qua những trở ngại nhất thời. Cấp thời trước mắt là xin quý huynh trưởng lãnh đạo, cố gắng bắt tay nhau chấn chỉnh GĐPT, soạn thảo một chương trình giáo dục cho GĐPT trước khi quá muộn màng, buộc phải buông tay trước quy luật đào thải tự nhiên không aì tránh khỏi.
Cựu huynh trưởng
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

sachhiem.net

Huynh Trưởng và Huynh Sai trong Gia đình Phật tử

- Tổ chức GĐPT có trên 60 năm, tiền thân của GĐPT là Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ… đây là một tổ chức Đoàn thể đặc thù tại nước VN có Nội quy, Quy chế, Chương trình tu học …..
Trải qua bao nhiêu năm thăng trầm của đất nước, GĐPT vẫn hòa quyện với Đạo Pháp với Xã hội. tôi may mắn sinh hoạt GĐPT trong khoảng hơn 50 năm, với 45 năm là Huynh trưởng lăn lóc từng cuộc trại, bôn ba từng cuộc lễ lược của GĐPT và cũng từng những giọt nước mắt rơi xuống vì vui sướng và cũng vì thất vọng, có những lúc khắc nghiệt nhất chiếc áo Lam vẫn cùng tôi trong hành trình của cuộc đời. Vì thế tôi đã thấy được những ưu điểm của GĐPT nơi đã đào luyện và un đúc cho từng từng lớp người đến với GĐPT, và trong thực tế GĐPT đã cung ứng cho Đạo Pháp và xã hội nhiều nhân tố tích cực đóng góp nhiều cho công việc Phụng sự Đạo pháp và Xây dựng xã hội theo đúng như Mục đích của GĐPT.
Trong thời kỳ Pháp nạn (từ 1963 – 1966) nhiều Huynh trưởng Đoàn sinh GĐPT  đã hy sinh trong công cuộc Bảo vệ Đạo pháp và có nhiều vị được phong là Thánh Tử Đạo. Rồi số người mà tôi biết và thấy được giờ cũng quá trưởng thành trong cuộc sống, có người là Bác sĩ, Kỹ sư, là Doanh nhân thành đạt, và cũng nhiều người đã từng là Bí thư Đoàn, Đảng, hoặc Cán bộ quản lý các cơ quan nhà nước. Tôi đưa ra ví  dụ thế nầy là để minh chứng cho việc thành quả của tổ chức GĐPT trong việc cùng Xã hội Giáo dục – Đào luyện con người tốt cho đất nước.
Trong quá trình hoạt động cùng các đồng sự đưa Tổ chức GĐPT tại địa phương có những lúc thật thăng hoa nhưng rồi cũng có lúc chìm lắng…. thế sự vô thường là thế cũng có khi vầy cũng có khi khác, nhưng trong hoạt động cùng anh chị em đồng sự tôi thấy được trong hàng ngũ Huynh trưởng có 02 thành phần cơ bản khác nhau rõ rệt.
Một vài phân tích ngắn dưới đây chia sẻ cùng các anh chị em Lam viên bốn phương:
-Thành phần thứ nhất: HUYNH TRƯỞNG GĐPT CHÂN CHÍNH:
Đây là những anh chị em dấn thân vào Lý tưởng, có tư cách, phong thái thật tốt, dám nói dám làm luôn trăn trở cho sự sinh hoạt của GĐPT. Người Huynh trưởng chân chính là sao? Là người được đào tạo qua các khóa huấn luyện trong tổ chức như Lộc Uyển - A Dục - Huyền Trang - Vạn Hạnh. Hơn nữa, họ luôn giữ gìn Tam quy Ngũ giới mà người Phật tử đã thọ trì trước ngôi Tam bảo, luôn sống trong tinh thần Lục hòa, biết áp dụng Pháp môn Tứ Nhiếp vào trong cuộc đời - luôn lấy châm ngôn  Bi – Trí – Dũng, 5 điều Luật của GĐPT làm hành trang trong cuộc sống.
Nhìn phong cách một Huynh trưởng GĐPT chân chính, chúng ta thấy rằng những anh chị nầy làm việc rất minh bạch, trong sáng, luôn biết nhận lỗi về mình, không kết bè phái, người Huynh trưởng GĐPT chân chính là người luôn lấy tình yêu thương trãi rộng đến mọi người, biết phân biệt đúng – sai không a dua nịnh bợ và dũng cảm dám góp ý thẳng thắn cùng đưa GĐPT phát triển.
-Thành phần thứ hai: HUYNH SAI GĐPT và những biểu hiện của “HUYNH SAI”:
Huynh sai cũng là Huynh trưởng vẫn chịu sự huấn luyện qua các khóa, nhưng do nhiều yếu tố tiêu cực, có lối sống sai lệch nên hiện nay trong tổ chức GĐPT  chúng ta đã và đang có phát sinh theo cấp số nhân thành phần nầy. Đó là những Huynh trưởng mang tính a dua, ba phải ... ai nói sao làm vậy, đôi lúc thấy cái sai của đàn anh cũng không dám nói vì sợ bị trù dập sợ đủ thứ cả… và số Huynh trưởng nầy trở thành thụ động trong mọi công tác.
Điều đáng nói hiện nay số lượng Huynh trưởng nầy không ít trong tổ chức GĐPT chúng ta, đa số người nầy đều biểu hiệu  dua nịnh, thậm chí sẵn sàng trù dập đồng sự để lấy lòng cấp trên. Dù thấy cấp trên sai mười mươi nhưng vẫn bảo vệ bằng lời bào chữa:"THÔI KỆ, MẤY ẢNH LỚN RỒI …THÔI THÔNG CẢM", như vậy người ta chấp nhận trong GĐPT mấy người lớn được làm bậy? Vậy tổ chức nầy còn giáo dục, đào tạo được ai? Có chăng là đào tạo … Huynh Sai
Đa phần những Huynh trưởng nầy rất khoái được phong cấp , luôn luôn thòm thèm được mang nhiều hột, Tập thì muốn Tín, Tín thì muốn Tấn, Tấn thì muốn cao hơn nên chấp nhận lời chửi bới, mắng nhiếc và vẫn cúi đầu tuân phục để hy vọng được ban cho tí lời khen. Thực tế cho thấy đối với những HUYNH SAI thì SỐ HỘT HỌ ĐEO tỷ lệ thuận với THỜI GIAN sinh hoạt và kỹ năng NỊNH NÓT, nhưng tỷ lệ nghịch với NĂNG LỰC
Rồi số nầy còn mong mỏi được bố trí vào vị trí Ban tổ chức hay Ban Quản trại nào đó (nhiều khi tham gia cho có chứ chẳng biết làm chi, có làm thì càng làm càng lộ yếu kém, thiếu năng lực của bản thân), không hiểu cả đời số Huynh trưởng nầy có tham gia vào BQT huấn luyện nào không nhưng giờ mà được cho tham gia cùng là vểnh mặt lắm. Bởi tính cách như vậy nên tôi xếp vào hàng ngũ là HUYNH SAI GĐPT, đôi lúc nhìn lại tôi thấy tội nghiệp cho số HUYNH SAI nầy vì làm người đã là khó mà họ không biết làm HUYNH TRƯỞNG lại càng khó hơn./..
Quang Minh
gdpt Trúc Lâm

Một góc nhìn giáo dục Gia đình Phật tử



Một góc nhìn giáo dục Gia đình Phật tử
 
Tác giả bài viết này đã sinh hoạt liên tục mười năm trong Gia đình Phật tử - GĐPT Phú Lâu, TP Huế, bắt đầu từ năm 15 tuổi với nhiệm vụ của một đoàn sinh thiếu niên và kết thúc ở năm 25 tuổi với chức vụ của một uỷ viên ban hướng dẫn. Từ đó đến nay, một nửa thế kỷ đã trôi qua và nhờ vậy, đã có một khoảng cách để nhìn lại Một góc nhìn giáo dục Gia đình Phật tử.

1. Sinh hoạt Gia đình Phật tử rèn luyện cho chúng tôi kỹ năng nói trước quần chúng

Thời thơ ấu, chúng tôi là một đứa bé nhút nhát. Năm 15 tuổi, tuổi bắt đầu khôn lớn,  vẫn không dám xuất hiện trước đám đông. Cho nên, khi ông anh con bà dì lớn hơn một tuổi “rủ” vào Gia đình Phật tử, chúng tôi cứ hẹn rày hẹn mai vì sợ “bị” đưa ra giới thiệu trước mặt nhiều người.

Cuối cùng thì ngày trình diện trước đông đảo đoàn sinh Gia đình Phật tử Chơn Tri gần chợ Cống ở hữu ngạn sông Hương cũng đến và những ngỡ ngàng ban đầu rồi cũng qua đi. Mấy tháng sau, với chức vụ đội trưởng đội sen vàng, chúng tôi tập nói trước bảy tám đội viên. Hai năm sau, làm đoàn phó rồi đoàn trưởng đoàn thiếu niên, chúng tôi  tập nói trước hàng chục đoàn viên. Ba năm sau làm liên đoàn trưởng, đã có đủ bạo dạn để nói trước nhiều người. Đến khi làm việc ở đời sống trại trong những trại họp bạn, chú bé sợ xuất hiện trước đám đông ngày nào nay đã khôn lớn và đã có đủ tự tin để nói lưu loát trước mấy trăm trại sinh. Qua kinh nghiệm bản thân, chúng tôi nhận ra rằng nhút nhát mà có cơ hội tập luyện để thắng tính nhút nhát thì người ta sẽ nói sôi nổi, hấp dẫn và có khả năng lay động lòng người.

Vào Đại học Sư phạm, đi thực tập, chúng tôi biết ơn Gia đình Phật tử vô cùng. Bởi lẽ, trong khi một số bạn cùng lớp đã thất bại vì không giữ được bình tĩnh khi xuất hiện trước nhiều học sinh, chúng tôi đã thành công ngay từ bài giảng đầu tiên vì đã quen ăn nói trước quần chúng.

2. Sinh hoạt Gia đình Phật tử luyện tập cho chúng tôi kỹ năng sống tháo vát

Trong gia đình, là người con trai chào đời sau ba người chị, chúng tôi lớn lên trong sự cưng quý và chiều chuộng của bà nội và cha mẹ. Mọi việc trong nhà đều đã được người lớn sắp đặt, lo liệu, đứa cháu đích tôn chỉ biết vui chơi và lo học hành.

Vào Gia đình Phật tử, làm đoàn sinh, làm đội trưởng, nếp sinh hoạt của bản thân bắt đầu thay đổi. Ba bốn tháng, một ngày trại được tổ chức, chúng tôi phải đi bộ năm sáu cây số, mang ba lô nặng cùng với những vật dụng lỉnh kỉnh khác để dựng lều, làm bàn ăn và sửa soạn các bữa ăn. Rồi phải leo đồi hay chạy băng đồng để chơi trò chơi lớn. Trong một năm, Gia đình Phật tử thường tổ chức một vài đêm văn nghệ. Làm văn nghệ thì phải dựng sân khấu và công việc nặng nhọc ấy là nhiệm vụ của đoàn thiếu niên. Với chức vụ đội trưởng, cậu thư sinh là chúng tôi ngày ấy tự giác tự nguyện làm công việc của một người lao động chân tay thực thụ. Đội trưởng cầm càng xe vận tải đi trước, vài ba đội viên ra sức đẩy ở phía sau, chúng tôi đến nhà của các đoàn sinh mượn những tấm phản và thùng phuy để dựng sân khấu trình diễn văn nghệ. Đêm văn nghệ hoàn tất, các huynh trưởng, những đoàn viên thiếu nữ và các em oanh vũ đã có thể nghỉ ngơi. Nhưng các đoàn viên thiếu niên vẫn còn lo dọn dẹp sân khấu và tiếp tục cầm càng xe, đẩy xe vận tải một buổi nữa để trả các thứ vật dụng đã mượn.

Mười năm sống tháo vát với Gia đình Phật tử đã đem lại cho chúng tôi một lợi thế trong bốn mươi năm theo nghề dạy học. Trong khi phần đông bạn đồng nghiệp chỉ quen với các công việc chuyên môn như soạn bài, chấm bài ở nhà hoặc giảng bài trong lớp học, chúng tôi còn tỏ ra thành thạo trong những hoạt động thanh niên ở ngoài trời như tổ chức cắm trại, thi đua thể thao, thực hiện những chuyến đi làm công tác xã hội, v.v... Cuộc sống của người thầy giáo nhờ vậy trở nên sinh động, tươi trẻ và có nhiều ý nghĩa hơn.

3. Sinh hoạt Gia đình Phật tử giáo dục chúng tôi biết quên lợi ích cá nhân để làm quen với những việc làm có tính vị tha vô ngã

Chẳng có ai nghĩ rằng vào Gia đình Phật tử thì sau này ra ngoài đời mình sẽ có cơ hội thăng quan tiến chức. Cũng không ai hứa hẹn với chúng tôi vào Gia đình Phật tử thì mỗi đoàn sinh sẽ được thụ hưởng ít nhiều lợi ích vật chất. Ban đầu, thành thật mà nói, chúng tôi vào Gia đình Phật tử vì ham vui. Có thể nói đó là một cách chơi, một hình thức giải trí vô vị lợi. Không nhận sự tài trợ của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, mỗi đoàn sinh chúng tôi tự nguyện đóng góp một số tiền nhỏ do mình dành dụm được để cùng vui chơi với nhau. Lần hồi, qua những buổi họp đoàn hàng tuần và những sinh hoạt có tính tập thể khác, chúng tôi làm quen với chánh pháp rồi thấm nhuần giáo lý vị tha vô ngã của Đức Phật , từ đó, thích làm việc thiện, biết tôn trọng sự thật và nếu cần thì chịu hi sinh quyền lợi riêng để hoàn thành một công việc chung.

Trong pháp nạn năm 1963, chúng tôi đang giữ chức vụ liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử Phú Lâu là hậu thân của Gia đình Phật tử Chơn Tri. Khi tổ đình Từ Đàm bị bao vây, huynh trưởng và đoàn sinh nhiều gia đình bạn đều tìm cách lên chùa Từ Đàm để thể hiện tấm lòng son sắt thủy chung đối với dân tộc và đạo pháp. Trong hoàn cảnh ấy, dù đang bận ôn thi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chúng tôi cũng không thể cho phép mình ngồi yên với sách vở. Phải quyết tâm “đi chùa” một lần để lương tâm bớt cắn rứt. Nhưng đi như vậy là rất nguy hiểm, vì có thể “ăn” lựu đạn cay hoặc lựu đạn thật. Để chia bớt trách nhiệm, chúng tôi dặn đoàn sinh về nhà xin phép phụ huynh, em nào được sự chấp thuận của gia đình mới nên “đi chùa”. Kết quả là có khoảng hai mươi em, gần một phần ba số lượng đoàn sinh, đã tham dự chuyến đi nhiều hiểm nguy ấy. Giữa đường, may mắn không bị ném lựu đạn, nhưng chúng tôi phải dừng lại một vài lần, vì các đường dẫn lên chùa đều bị phong tỏa. Nhưng cuối cùng thì đoàn “hành hương” của những người con Phật cũng đến đích bằng cách đi lên phía nhà ga Huế rồi theo đường Lịch Đợi mà đến chùa Từ Đàm.

Nhờ mười năm sinh hoạt Gia đình Phật tử mà về sau này chúng tôi không quá so đo tính toán lợi ích cá nhân mỗi khi thực hiện một nhiệm vụ do tập thể phân công.

4. Sinh hoạt Gia đình Phật tử hướng dẫn chúng tôi sống theo Bi-Trí-Dũng

Bi–Trí–Dũng là phương châm hành động của Gia đình Phật tử Việt Nam. Lý tưởng sống này được thể hiện trong một lần đi cứu trợ lũ lụt được lược thuật dưới đây.

Năm 1964, chúng tôi dạy học ở trường Cường Để Qui Nhơn và đồng thời giữ chức vụ tổng thư ký ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Bình Định. Giữa năm ấy, một trận lũ lớn tàn phá một số huyện thuộc tỉnh nhà. Trong số đó, Hoài Ân là huyện bị thiệt hại nhiều nhất. Nhiều vật phẩm cứu trợ đã được chuyển đến huyện, nhưng chính quyền địa phương không thể phân phát cho dân vì lý do an ninh. Tòa hành chánh tỉnh Bình Định phải nhờ đoàn sinh Gia đình Phật tử mang quà cứu trợ đến tận tay nạn nhân lũ lụt.

Vì hạnh từ bi, với mục đích thêm vui bớt khổ cho đồng bào, ban hướng dẫn và một số đoàn sinh Gia đình Phật tử ở Qui Nhơn quyết tâm thực hiện một chuyến đi cứu trợ nạn nhân lũ lụt. Đó cũng là một quyết định dũng cảm. Bởi vì huyện Hoài Ân lúc đó chỉ quản lý được một ít xã lân cận, một số xã ở xa đã thuộc quyền kiểm soát của quân giải phóng, còn lại là những vùng đất “xôi đậu” ban ngày thuộc về lính quốc gia nhưng ban đêm lại theo quân du kích. Mang vật phẩm đi cứu trợ trong hoàn cảnh ấy, đoàn sinh Gia đình Phật tử có thể bị kết án tiếp tay với chính quyền địa phương để tranh thủ cảm tình của nhân dân mà mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Trưởng ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Bình Định khi ấy là anh Nguyễn Văn Châu. Anh Châu khôn ngoan, sắc sảo biết rõ tính bất trắc, ẩn chứa nhiều hiểm nguy của chuyến đi làm việc thiện. Không nói ra điều mình suy nghĩ vì sợ anh chị em mất tinh thần, bằng trí tuệ của một huynh trưởng cấp Tín, Anh Châu âm thầm sắp xếp công việc để chuyến đi được an toàn. Nguyên tắc được đặt ra là phải làm thế nào để đồng bào địa phương biết rõ việc nghĩa này được thực hiện trong phạm vi tôn giáo, thể hiện tình tự dân tộc của đoàn sinh Gia đình Phật tử. Theo nguyên tắc ấy, ở Qui Nhơn, chúng tôi đóng góp tiền túi để thuê xe về Hoài Ân, dù biết rằng tòa hành chánh tỉnh Bình Định sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện. Mặt khác, ngoài tự túc số gạo đủ ăn trong năm ngày, mỗi thành viên của đoàn chỉ mang theo hai loại thức ăn là muối mè và vị tâm. Đến Hoài Ân, thay vì vào ở trong quận đường, huynh trưởng và đoàn sinh chia nhau tạm trú tại nhà dân. Để có nhiều thì giờ lo việc phân phối phẩm vật cứu trợ, mỗi ngày chúng tôi chỉ mua thêm một ít rau tươi để sửa soạn những bữa ăn giản dị, đạm bạc.

Hành động theo phương châm Bi–Trí–Dũng, đoàn sinh Gia đình Phật tử đã thực hiện thành công chuyến đi cứu trợ nạn nhân bão lụt trên một vùng đất còn nhiều súng đạn và thù hận.

5. Sinh hoạt Gia đình Phật tử huấn luyện cho chúng tôi phương pháp thân giáo và ý thức trách nhiệm của người chỉ huy

Các triết gia phương Đông sống với chân lý nhiều hơn nói về chân lý. Theo tinh thần ấy, các vị đạo sư tâm linh ít rao giảng đạo đức, không muốn dùng phép tắc, lễ nghi khắt khe để buộc đệ tử khép mình vào khuôn khổ của giáo điều. Các Ngài thực hiện phương pháp thân giáo bằng cách lấy chính đời sống đạo hạnh của mình làm gương sáng để môn sinh tự giác, tự nguyện theo đó mà tu sửa thân tâm.

Sinh hoạt nhiều năm trong Gia đình Phật tử, được gần gũi các huynh trưởng khả kính như chị Hoàng Thị Kim Cúc và các anh Nguyễn Khắc Từ, Phan Văn Gái, Nguyễn Văn Châu, v.v… chúng tôi đã học tập ở các anh,  chị lối sống trung thực, giản dị, khiêm tốn mà dũng cảm của người Phật tử chân chính. Hiệu quả của phương pháp thân giáo này và cách thức thụ giáo gọi là huân tập ấy, Tổ Quy Sơn đã nói rõ khi sách tấn đệ tử gắng công tu tập: “Sống gần người bạn tốt như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng lần hồi cũng thấm”.*

Sinh hoạt mười năm trong Gia đình Phật tử, trừ mấy tháng làm đội viên, chúng tôi đã đảm trách nhiệm vụ của người chỉ huy khi làm đội trưởng, đoàn trưởng, liên đoàn trưởng và tổng thư ký ban hướng dẫn. Trong Gia đình Phật tử, vì không có quyền lợi để ràng buộc nhau, chúng tôi chỉ biết đề cao những giá trị tinh thần, cố gắng sống mẫu mực để làm gương cho đoàn sinh noi theo. Gặp hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, cách nêu gương sáng hiệu quả nhất là nhận lãnh trách nhiệm chèo chống con thuyền gia đình như một vị thuyền trưởng biết “đứng mũi chịu sào”…

Lần “đi chùa” trong pháp nạn năm 1963, dù biết có thể bị phê bình là liên đoàn trưởng mà làm việc thiếu tổ chức và không biết phân công, chúng tôi vẫn nhận nhiệm vụ khó khăn nhất là dẫn đầu đoàn “hành hương” và sẵn sàng hứng chịu sự đàn áp hay tấn công thay cho các đoàn sinh. Trong lần đi cứu trợ bão lụt năm 1964, không hẹn mà nên, anh Nguyễn Văn Châu và chúng tôi đều “xung phong” đi tiền trạm xã An Tín là địa điểm xa xôi nhất và mất an ninh trầm trọng nhất của huyện Hoài Ân. Xã An Tín ở bên này một con sông thì bên kia sông là vùng giải phóng. Nghỉ trưa trong một ngôi chùa vắng, chúng tôi nghe đồng vọng tiếng trống ếch của thiếu nhi ở bờ bên kia. Lên trạm thông tin ở trên đồi cao để  liên lạc với huyện, chúng tôi phải bò vì sợ bắn tỉa. Trong khi đó, chưa quá bốn giờ chiều mà văn phòng xã đã đóng cửa, nhân viên “sơ tán”, còn hai cái ba lô chúng tôi gởi thì bị bỏ lại ở bên đường… Nhờ chư Phật gia hộ, trong cả hai lần làm gương bằng cách “đứng mũi chịu sào ấy”, chúng tôi đều được bình an vô sự.

Giáo dục Gia đình Phật tử được trình bày ở đây được ghi nhận qua kinh nghiệm sống và theo “góc nhìn” của một người, trong thời gian ngắn từ 1955 đến 1965, tại  không gian hẹp là thành phố Huế và Qui Nhơn. Chúng tôi nghĩ phải có sự chung sức chung lòng của nhiều người thuộc nhiều thế hệ mới có thể phác họa được toàn cảnh với đủ đường nét và sắc màu đậm nhạt khác nhau của bức tranh giáo dục Gia đình Phật tử Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua. Nhưng đó là vấn đề khác.

Tâm Hỷ
Nguồn tin: Nguồn Tập San Pháp Luân 76

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Gia đình Phật tử: thực trạng và giải pháp

Lời thưa: Kính thưa chư vị. Kính thưa quý anh chị trưởng , Đến thời điểm nầy tổ chức Gia đình Phật tử được xã hội đánh giá là một tổ chức sinh hoạt tu học hiệu quả, nội hàm giáo dục sâu sắc góp phần lợi lạc cho xã hội, đem lại niềm an vui cho đời. Là một người trong cuộc, vui buồn cùng màu lam thân thương gần 60 năm, chúng tôi mong ước khi đọc bài viết nầy anh chị sẽ thấy hình ảnh của đơn vị mình, huyện thành mình,tỉnh mình để từ đó chúng ta có hướng giải quyết bài toán khó của việc duy tri và phát triển Gia đình Phật tử hiện nay trong môt đất nước đang phát triển và nhiều thách thức. Người viết bài nầy xin trình bày quan điểm của mình với đê tài GĐPT : THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP với ước mong GĐPT luôn luôn là một tổ chức áp dụng Ngũ minh pháp trong việc tu học…theo lộ trình Giới – Định – Tuệ.


A MỞ ĐẦU

      Từ đại hội lần thứ I  năm 1951, Gia đình Phật hóa phổ đổi tên thành Gia đình Phật tử ; tổ chức áo lam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên của Giáo hội PGVN  uy tín  nhất trước 1975. Mặc dù có nhiều ngoại chướng  nhưng nhờ tinh thần vô ngã vị tha  mà người Phật tử tu học trên tinh thần “Tứ chúng đồng tu”  có kết quả đáng trân trọng. Về tổ chức GĐPT, trong suốt 24 năm tồn tại chưa hề bị phân hoá.  Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất…thì niềm vui  và nỗi lo đan xen  vào  từng gia đình, từng cá nhân, từng tổ chức   như một quy luật nghiệt ngã sau chiến tranh…Gia đình Phật tử là một bộ phận của cộng đồng xã hôi  cũng phải chịu ảnh hưởng sâu sắc. Tổ chức GĐPT gặp quá nhiều chướng duyên từ năm 1975 đến 1992 về vấn đề pháp lý. Mặc dù năm 1981 GHPGVN ra đời nhưng mãi đến đại hội nhiệm kỳ III(1992-1997) Giáo hội mới ra các văn bản đề cập đến việc sinh hoạt của GĐPT .Và kể từ đại hội kỳ IV (1997-2002) tổ chức GĐPT chính thức được công nhận, Phân ban GĐPT TW được thành lập (1998).Hiện nay cả nước đã có 34 tỉnh thành có GĐPT đang sinh hoạt tu học  với số lượng  gần 100.000 Huynh trưởng và Đoàn sinh .
    Riêng GĐPT Quảng Ngãi hiện nay có 47 đơn vị và 2 đoàn trực thuộc. Đoàn Nữ Phật tử Ni Liên  gồm 60 chị tuổi đời từ 30 đến 80 và Đoàn Lam Thiên Ấn  quy tụ hơn 60 Đoàn viên quê Quảng Ngãi đang học tập, lao động, sinh sống tại  TP  HCM và các tỉnh lân cận. Đoàn được thành lập vào ngày 11/11/2012, sinh hoạt tại chùa Nguyên Hương (số 361/27 đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3 TP HCM) do Hòa Thượng Thích Thiện Bảo trụ trì  là vị Sư bảo trợ đồng thời là cố vấn Giáo hạnh của Đoàn .                                                                
B.THỰC TRẠNG  GĐPT HIỆN NAY   
I . Thuận duyên:
     *  GĐPT  sinh hoạt tu học trong lòng GHPGVN, được Giáo hội quan tâm .

      * Tổ chức GĐPT  tự hào về những Chư Tôn Đức, tiền bối hữu công, người anh sáng lập,xây dựng nên như Bác Tâm Minh Lê  Đình Thám, Hoà Thượng Thích Minh Châu, anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường, chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc…., anh Tâm Mẫn Võ Nhi, chị  Tâm Mỹ Nguyễn Thị Kim Chi….
      * Trong quá khứ cũng như hiện tại  GĐPT luôn góp phần đem lại niềm vui cho đời  và làm vơi đi nỗi đau nhân thế nên được Chư Tôn Đức, Tín đồ Phật tử giúp đỡ, được quần chúng kính trọng.
II . Những khó khăn trở ngại:
     1/ Tại đơn vị GĐPT cơ sở, huyện, thành.
     a/ Thiếu huynh trưởng cầm đoàn :
Huynh trưởng lớn tuổi thì lực bất tòng tâm, cá biệt có anh chị sống lâu lên lão làng, xem thường , thiếu tin tưởng vào đội ngũ Huynh trưởng  trẻ và hay hờn dỗi với cấp trên.  Huynh trưởng đã kinh qua trại huấn luyện đào tạo (Lộc uyển. A Dục) thì vào đại học, cao đẳng, học nghề, khi đã ra trường thì phải lo tìm công ăn việc làm ở các thành phố lớn không còn điều kiện trở về quê hương, tâm chưa an để lo nghĩ về tổ chức
     b/ Nguồn quỹ hoạt động rất hạn hẹp, Huynh trưởng tại đơn vị phải tự thân vận động để trang trải; đời sống của Huynh trưỏng đa số đều  khó khăn thiếu thốn
     c/  Có nơi, có lúc GĐPT chưa được chư vị Trụ trì, Ban Hộ tự nhiệt tình bảo trợ, giúp đỡ thậm chí  xãy ra bất hoà ; một số Đạo hữu không mấy thiết tha, ưu ái với  đơn vị GĐPT và Đoàn sinh thì bị hụt hẫng hoang mang, việc sinh hoạt trì trệ.; Đoàn sinh thưa dần , chưong trình tu học cho các bậc không thực hiện được một cách trọn vẹn.
    d/  Có nơi, khi mới  tái sinh hoạt thì số lượng Đoàn sinh khá đông đảo nhưng được một thời gian, các em thấy chán vì sinh hoạt đơn điệu không thật sự lôi cuốn hấp dẫn do nhiều nguyên nhân chủ quan như: Ban Huynh trưởng không phân công cụ thể cho từng Huynh trưởng phụ trách và nhiều Huynh trưởng lại quá dễ dãi với chính bản thân mình; thiếu tinh thần trách nhiệm;  lý tưởng phục vụ của người Huynh trưởng mờ nhạt, Ban huynh trưởng nhiều nơi mất đoàn kết , Huynh trưởng và phụ huynh Đoàn sinh chưa có mối quan hệ gắn bó mật thiết; thu chi tài chánh thiếu minh bạch , nguồn quỹ nhiều đơn vị không được quản lý chặt chẽ, có nơi mạnh ai nấy mượn khi có việc cần chi tiêu thì không thu hồi được.
    e/  Việc học thêm tràn lan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt của đoàn sinh.
    f/   Một số Ủy viên đại diện và các phụ tá tại huyện, thành phố chưa phát huy hết năng lực hoạt động, thiếu năng động, sáng tạo, chưa mạnh dạn đổi mới phương thức sinh hoạt bằng các hình thức như: Hội thi giao lưu Phật pháp – Hoạt đông Thanh niên – Văn nghệ -  Hoạt động Xã hội; tổ chức thăm viếng  sinh hoạt giao lưu luân phiên liên Gia đình các đơn vị liền kề. v.v…nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các đơn vị
    2/   Tại một số Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT các  tỉnh, thành .
    a/   Chưa có tiêu chí thi đua cụ thể cho các đơn vị nên việc đánh giá thi đua theo cảm tính, thiếu khách quan chính xác, chưa tạo được động lực thúc đẩy phong trào thi đua sinh hoạt tu học giữa các đơn vị trong tỉnh, thành
     b/   Chưa đặt nặng công tác tham sát, thăm viếng đột xuất nhằm động viên khuyến tấn các đơn vị làm tốt đồng thời điều chỉnh, uốn nắn, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị thực hiện chưa tốt để từng bước đi vào ổn định quy củ.
     c/   Các uỷ viên chuyên môn, chuyên ngành còn hạn chế về nhiều mặt, chưa mạnh dạn tham mưu đề xuất cụ thể về công việc có liên quan.
     d/   Chưa mạnh dạn tổ chức phê bình, kiểm thảo từng thành viên trong BHD trước khi  tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và hội nghị tổng kết hàng năm

C. ĐÊ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP
     1/ Tại đơn vị GĐPT cơ sở:
      a/ Cách ứng xử
       GĐPT là một bộ phận trong tứ chúng đồng tu, Huynh trưởng, Đoàn sinh là con em của Đạo hữu  do vậy chúng ta phải tâm nguyện “ trọng Pháp kỉnh Tăng là điều lành tối thượng”. Ban Huynh trưởng cần tạo mối quan hệ tốt đẹp với Ban Hộ tự, Ban Hộ trì Tam bảo, chư Tăng, Ni trụ trì  hoặc thủ tự tạm thời; tuyệt đối không đối đầu gây bất hoà . Cụ thể là:
      *  Tham gia các Phật sự của nhà chùa, các ngày lễ trọng: Phật Đản, Vu Lan, hiệp kỵ……
      *   Báo cáo chuơng trình sinh hoạt hàng quý, năm  cho  Ban Hộ tự,Sư Trù trì và cơ quan hữu quan xin phép khi tổ chức các công tác Phật sự đột xuất không nằm trong chương trình đã đăng ký
      *   Việc cung dưỡng, cúng dường  Tăng, Ni trụ trì là bổn  phận của người Phật tử trong đó có chúng ta
      Ngoài ra, trong quá trình sinh hoạt tại cơ sở nếu có gì vướng mắc thì Gia trưởng hoặc Liên đoàn trưởng có trách nhiệm trực tiếp gặp thường trực Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT  trình bày để có hướng giải quyết
      b/  Về con người:
      *   Mỗi huynh trưởng phải tu học tự thân (sắp xếp hàng ngày có khoá lễ trước bàn Phật tại gia đình), luôn hành trì giới luật, thân giáo là bài học không lời.
       *  Ban Huynh trưởng gồm nhiều thế hệ biết tôn trọng nhau, biết học hỏi lẫn nhau, sắp xếp công việc phù hợp với năng lực và phẩm hạnh từng người.
       c/  Tổ chức sinh hoạt,tu học
       *   Tùy theo điều kiện của từng đơn vị, nên quy định giờ sinh hoạt cho phù hợp nhưng phải đủ thời gian (120 phút bao gồm lễ Phật, lễ Đoàn, tu học và sinh hoạt vòng tròn).
       *   Lên lịch học tập và Huynh trưởng hướng dẫn cụ thể  (về Phật pháp có thể mời Sư Trụ trì, nhưng nội dung truyền đạt phải bám sát vào chương trình, tài liệu hiện hành của Trung ương)
       *  Cần tạo điều kiện trang bị cho Đoàn sinh  tài liệu bậc học  kèm theo sổ tay ghi chép, Huynh trưởng vận dụng sổ tay Huynh trưởng, tài liệu bậc học, tài liệu tham khảo soạn các câu hỏi ngắn  sát chủ đề để hướng dẫn các em, tránh tình trạng đọc chép; nhồi nhét  kiến thức. Vị trí học tập cần thay đổi qua từng môn học, cần có các hoạt động chống sự ể oải, nhàm chán sau mỗi môn học (các trò chơi nhỏn các bài hát ngắn) . 
      d/  Duy trì và phát triển tổ chức
       *  Tổ chức tốt việc sinh hoạt tu học là yếu tố hàng đầu  duy trì sức sống của một Gia đình Phật tử
       *  Tài chánh phân minh, tình cảm nam nữ trong sáng, biết kính trên nhuờng dưới là yếu tố quan trọng  duy trì sự phát triển bền vững của một GĐPT, tổ chức phê bình kiểm thảo thường xuyên, mỗi Huynh trưởng tự đánh giá lại mình, tiến tu để hoành thành tốt chức năng nhiệm vụ của từng Huynh trưởng.
       *  Cần duy trì thường xuyên  việc liên lạc và thăm viếng phụ huynh đoàn sinh,  các hoạt động trong các dịp lễ lượt, trại mạc, văn nghệ, mừng chu niên, Ban Huynh trưởng cũng nên mời phụ huynh về tham dự cùng đơn vị Gia đình để tạo mối thân tình cần thiết cho sự phát triển của đơn vị.
        *  Ban Huynh trưởng nên mời một số Đạo hữu và các nhà Mạnh Thường Quân có cảm tình với tổ chức GĐPT để hình thành Ban bảo trợ  để được trợ duyên, giúp đở về  vật chất về tinh thần, tạo đà phát triển vững mạnh cho đơn vị
        *  Ngoài thời gian hội họp Huynh trưởng định kỳ, Ban Huynh trưởng cần phải tổ chức nhiều đợt tập huấn bồi dưỡng  những chuyên đề cần thiết cho huynh trưởng (kỷ năng cầm Đoàn, kỷ năng quản trò, phương pháp hướng dẫn đề tài Phật pháp, HĐTN ……. (có thể mời  Huynh trưởng chuyên môn của huyện, của BHD)
        đ/    Hoạt động Xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
         *   Hàng tuần, sau buổi lễ Đoàn Huynh trưởng trực nên dành thời gian trao đổi, khơi gợi hạnh từ bi của người con Phật, nhắc nhỡ, động viên các em  biết làm từ thiện, mỗi GĐPT nên có chuẩn bị sẳn con heo đất hoặc bùng binh để các em đóng góp những đồng tiền lẻ tiết kiệm được trong tuần. Hàng quý Ban huynh trưởng tổ chức tổng kết và lựa chọn  hoàn cảnh đối tượng để hỗ trợ giúp đỡ
         *   Hàng tuần phân công các em quét rác khu vực chùa, hàng tháng  cả đơn vị Gia đình làm tổng vệ sinh khu vực xung quanh  chùa, thỉnh thoảng đơn vị Gia đình cũng nên tổ chức các buổi làm sạch vệ sinh môi trường nơi công cộng tại địa bàn đơn vị đang sinh hoạt.
        2/   Tại huyện, thành phố (trực thuộc tỉnh)
          *  Cần phải hình thành Ban viên đại diện Phân ban tại huyện, thành phố (Ban điều hành)  mời một số phụ tá hỗ trợ, phân công cụ thể nhiệm vụ từng thành viên phụ tá  .
          *  Tổ chức họp định kỳ đưa ra kế hoạch sinh hoạt phù hợp với lịch sinh hoạt của các đơn vị cơ sở. Chú ý việc tu Bát quan trai định kỳ cho Huynh trưởng và Đoàn sinh ngành Thanh, ngành Thiếu, tổ chức các buổi giao lưu luân phiên liên Gia đình có chủ đề và nội dung súc tích, hấp dẫn. Chủ động tổ chức các bậc học Kiên, Trì, tổ chức thi vượt bậc cho Đoàn sinh , tổ chức trại họp bạn, huấn luyện theo phân cấp.
          *  Thành lập tổ bồi dưỡng kỹ năng sinh hoạt tu học để hỗ trợ, giúp đở cho các đơn vị trực thuộc khi có yêu cầu.
          *  Vận động Đoàn viên tham gia công tác xã hội, công tác bảo vệ môi trường sinh thái.        
        3/   Tại Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT tỉnh, thành phố (trực thuộc TW)
          *    Chương trình kế hoạch:
     Yêu cầu các uỷ viên chuyên môn,ngành đề xuất kế họach phần việc trong năm của bộ phận mình, thường trực Phân ban xây dựng kế họach tổng thể cả năm có tính khả thi.
          *   Hội nghị:
        Các kỳ hội nghị sau đây không thể thiếu: tổng kết năm,sơ kết 6 tháng ( phương hướng 6 tháng cuối năm cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế), thành phần tham dự : toàn thể thành viên phân ban, các ban viên đại diện BHD tại huyện ,thành  (Uỷ viên đại diện và các phụ tá); Gia trưởng, Liên đoàn trưởng, phó, Thư ký gia đình. Phải  dành thời gian báo cáo ngắn gọn của các huyện, thành và phản ảnh của đại biểu. Hội nghị sơ kết chỉ cần cung thỉnh vị trưởng ban HDPT. Xin lưu ý trong sơ kết, tổng kết việc báo cáo tài chánh phải rõ ràng, phân minh. Toàn Phân ban họp 3 tháng 1 lần  ngoại trừ họp đột xuất. Thường trực BHD   họp nữa tháng họp 1 lần không kể các lần họp đột xuất
         *  Tham sát, thăm viếng
       Thăm viếng theo định kỳ hoặc đột xuất mỗi đơn vị Gia đình ít nhất 1 lần/năm  (góp ý xây dựng, kiểm tra  từng phần việc, kiểm tra đột xuất, theo yêu cầu)
         *  Tổ chức các bậc học, các kỳ trại huấn luyệ, học tập và các công tác khác
        Ban điều hành các bậc học Kiên, Trì, Định điều hành và tổ chức tốt việc tu học cũng như kiểm tra, khảo sát và thi kết khóa các bậc học cho học viên.
       Tổ chức các trại huấn luyện   A Dục, Huyền Trang theo sát giáo trình đã được biên soạn, thời gian tập trung tại đất trại có thể linh động cho phù hợp với điều kiện hiên nay nhưng phải đảm bảo đủ chương trình, cần tạo điều kiện để Htr trại sinh đi thực tập một số chuyên đề tại vài đơn vị GĐPT cơ sở
       Trại A Nô Ma – Ni Liên, Tuyết Sơn (Đoàn sinh), Lộc Uyển (Htr sơ câp)  vô cùng quan trọng,  do đó không thể tổ chức hời hợt, Ban hướng dẫn Phân ban có thể tổ chức trực tiếp  hoặc tổ chức liên huyện, thành phố. Thành phần BQT và ban giảng huấn  phải được BHD chọn lựa và ra quyết định thành lập.
      Duy trì thường xuyên công tác tập huấn, bồi dưỡng  Huynh trưởng (kỹ năng cầm đoàn, hướng dẫn cách sọan, cách truyền đạt)
      Tạo nguồn quỹ khuyến học, từ thiện để tổ chức cấp phát học bổng hàng năm cho Đoàn sinh các GĐPT trong tỉnh, kịp thời hỗ trợ giúp đở cho Đoàn viên nghèo thiếu may mắn trong cuộc sống.
     Vận động  Huynh trưởng và Đoàn sinh ngành Thiếu có đủ điều kiện tham gia công tác  hiến máu nhân đạo.
     Tổ chức  liên hoan văn nghệ cúng dường các ngày đại lễ Phật đản, Vu lan
     Thực hiện các công tác Phật sự quan trọng của Giáo hội giao phó
     Tổ chức kiểm thúc các thành viên của Phân ban trước khi tổng kết
     Tạo sự cảm thông, đồng thuận của Chư Tôn giáo phẩm , của Ban Trị sự PG tỉnh về tổ chức GĐPT. Về vấn đề này xin được đề xuất mấy ý kiến như sau:
          - Mỗi thành viên BHD  làm gương  về sự trọng Pháp kỉnh Tăng
          - Khéo léo trong việc đề xuất giải quyết những vướng mắc ở cấp cơ sở
          - BHD tổ chức lễ tri ân chư tôn đức có liên quan đến GĐPT: Trai Tăng( lễ cầu siêu hiệp kỵ ) dâng y (Lễ Vu lan)…
          -  Bộ phận văn phòng Phân ban gởi số liệu báo cáo và các ý kiến thỉnh thị, đề xuất cho văn phòng BTS đúng thời gian quy định để Ban Trị sự tổng hợp đưa vào báo cáo sơ kết, tổng kết của BTS
                                                                                     
KẾT LUẬN:

 Thưa chư vị cùng quý anh chị:
      Một  GĐPT vững mạnh  khi có đội ngũ huynh trưởng đoàn kết, mỗi thành viên đều có học, có tu, biết nhịn trên nhường dưới, xem nặng cái chung (Gia đình) nhẹ cái riêng ( bản thân) biết nhận cái sai, có lòng vị tha.
      Một huyện, thành phố khá, tốt khi Ban viên đại diện (Ban điều hành) có kế hoạch theo dõi  động viên, giúp đỡ các Gia đình  trong tinh thần vô ngã vị tha…
      Một Ban hướng dẫn Phân ban  vững mạnh  khi thực hiện trọn vẹn kế hoạch toàn năm và các thành viên làm việc đều tay trên tinh thần đoàn kết, hoà hợp, chấp hành tốt chỉ đạo của  cấp trên.
      Yếu tố con người quyết định sự tồn vong của một tổ chức, ước mong mỗi chúng ta  vì màu Lam thân yêu mà  đối xử với nhau trong tình HUYNH ĐỆ của một GIA ĐÌNH được nuôi dưỡng bởi các chất liệu :TỪ- BI- HỶ- XẢ.

                            

Tâm Giới PHAN NGỌC THẢO

SƯ TỬ TRÙNG THỰC SƯ TỬ NHỤC

Ngược dòng thời gian 60 năm về trước vào cuối thập niên 30 và suốt thập niên 40, tổ quốc Việt Nam bị đô hộ của ách ngoại bang, một cổ hai tròng, nền văn hóa nô dịch lai căn khiến tầng lớn tuổi trẻ sống theo sự cám dỗ của vật chất, kiểu Tây phuơng lại ngày càng đánh mất và xa rời bản sắc truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh ấy Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời gồm đội ngũ thanh niên, tri thức dưới sự lãnh đạo của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám nhằm quy tụ tầng lớp thanh, thiếu, đồng niên đuơng thời lấy giáo lý Phật Đà làm nền tảng căn bản giáo dục để đối trị sự tha hóa mất bản sắc dân tộc. Trong Kỳ họp Tổng hội đồng chính thức đầu tiên cuả An Nam Phật Học Hội Bác đã dõng dạt tuyên bố: “Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu nhi. Vì họ là người nối tiếp chúng ta trong mai hậu"(Tâm Minh - Ngày 14.8.1938). Dần dà phong trào lan rộng ra khắp ba miền Bắc - Trung - Nam của Tổ quốc. Giờ đây còn lan rộng ra khắp Thế giới, quốc gia nào trên thế giới có người Việt sinh sống nơi đó đều có GĐPT sinh hoạt. Tại Quốc nội mặc dù gặp phải nhiều biến thiên của thời cuộc nhưng GĐPT vẫn tồn tại như một thực thể bất di bất dịch.
SƯ TỬ TRÙNG THỰC SƯ TỬ NHỤC
Mãi đến sau thời điểm năm 1975, tình hình sinh hoạt có phần khó khăn, phức tạp, sự quản lý điều hành chung của hệ thống tổ chức bị gián đoạn, ách tắc, cho nên hàng ngũ Huynh truởng bị mất phương huớng. Do đó tinh thần sinh hoạt bị thả nổi, mặc dù BHD TW đã rất cố gắng (thăm viếng, sách tấn, động viên, kết nối các địa phương…) nhưng tình hình chung cực kỳ khó khăn nên đành phải “tùy duyên bất biến”. Phần đông các đơn vị phải ngưng sinh hoạt, một số đơn vị sinh hoạt lẻ tẻ, rời rạc, hầu như tất cả đang ẩn nhẫn đợi chờ…
Bao nhiêu năm tháng thăng trầm theo thời cuộc, cũng đã có lúc thăng hoa rạng rỡ đến huy hoàng, cũng có lúc tắt lịm trong điu tàn vì khói lửa chiến tranh. Nhưng có một điều duy nhất vẫn còn sống mãi với thời gian đó là Đức Tin vào Chánh pháp và tâm Bồ đề kiên cố của tập thể Lam viên. Cho nên dù trải qua bao sống gió gian nan, màu Áo Lam vẫn tuơi thắm khoe sắc trên dãi đất hình Chữ “S”… Năm 1989, một luồng dư chấn gây ảnh huởng xôn xao đến đông đảo anh chị em Huynh truởng, đó là sự ra đi của chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc. Như những hòn than âm ỉ trong bếp tro đang đuợc khơi dậy bởi làn gió nam, và bùng lên mạnh mẽ khi anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ nằm xuống năm 1993. Lễ tang của anh Từ như biểu duơng lực luợng để làm tiền đề cho sự phục hưng sinh hoạt Gia Đình Phật Tử của các vùng miền. Nơi nơi xây dựng đơn vị, phát triển đoàn sinh, từ đó nảy sinh một tỷ lệ mất cân đối là: đoàn sinh dễ phát triển, nhưng Huynh truởng tìm đâu ra?!... Gần 20 năm chuớng ngại khó khăn, số Huynh truởng cũ (Già giặn kinh nghiệm, mẫu mực…) đã lụn tàn theo năm tháng, số Huynh truởng trẻ (Tuổi đời, thâm niên sinh hoạt, kinh nghiệm…) còn quá non yếu. Do đó BHDTW mở cấp tốc hàng loạt trại huấn luyện nhằm đào tạo số H.Tr cần thiết, nhằm đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt từ đó chúng ta bị ảnh huởng bởi một quy luật mà nó vẫn còn âm ỉ ở một số nơi cho đến hôm nay đó là: “Nặng về luợng nhẹ về chất” và cũng do vậy mà một số Huynh Truởng chưa đuợc đào tạo đến nơi đến chốn, không đủ năng lực đạo đức đứng lên cầm đoàn?!…Vậy thử hỏi lớp Huynh truởng này có “thân giáo” chưa? Có chiều sâu, bề dày để đủ sức chịu đựng gian khổ với tổ chức hay không? Hay chỉ mới nếm mùi sóng gió khó khăn đôi chút đã co giò chạy theo nhu cầu lợi duỡng… Số Huynh truởng còn lại trong quá trình hành hoạt có chịu học chịu tu không? Các anh chị đã học thuộc 10 điều tâm niệm của người Huynh truởng GĐPT Việt Nam chưa? Các anh chị có bao giờ tự kiểm điểm về bản thân mình về 4 đức tính cần có của một người Huynh truởng chưa?... Những đề tài tu học và huấn luyện dành cho Huynh truởng từ bậc Kiên cho đến Bậc Lực, Từ trại Lộc Uyển cho đến Vạn Hạnh chúng ta đã qua và thực hành đuợc những cánh cửa nào?!... Hoặc đã qua rồi nhưng thẩm thấu đuợc bao nhiêu phần trăm cho sinh hoạt tu học? Các anh chị đã nghiên cứu học tập đề tài Chân Dung Huynh Truởng chưa?... tất cả những gì vừa nêu chỉ là “một phần” hành trang nhập cuộc của người Huynh truởng. Một số Huynh Truởng thấy mình có đôi chút nổi trội thì bản ngã kêu căng trỗi dậy. Kiếm tìm cơ hội, đoạt lợi tranh danh, còn cống hiến hy sinh thì né tránh phớt lờ, thiếu trách nhiệm, nặng việc riêng, nhẹ việc chung. Lười tu nhác học, cứ ỷ mình 2, 3, hay 4 hột thì xem thuờng việc tu – học của tự thân, mãn nguyện ngủ chìm trong mộng mị của ánh sáng hoàng kim đó. Chưa kể một số Huynh Truởng mắc bệnh công thần,năng lực yếu kém nhưng đòi chèo cao? Không đuợc chức vị thì mặc cảm giận hờn? Để rồi đức tài kém cỏi trở thành gánh nặng trì trệ tổ chức; buông lung tự thân, quên giới quên luật xử sự theo cảm tính, làm mích lòng kẻ dưới người trên, gây mất đoàn kết nội bộ, lu mờ bài học Thân giáo, tổn thuơng danh dự tổ chức!?... Và rồi mỗi ngày, quý anh chị đã dành đuợc bao nhiêu thời gian cho công phu hàm duỡng tu tập? Dành đuợc bao bao nhiêu thời gian cho việc học tập trau dồi nâng cao KIẾN THỨC NGHỀ TRUỞNG?!... Dành đuợc bao nhiêu thời gian để suy tư tìm kế sách tổ chức sinh hoạt cho đơn vị hiệu quả hơn? Hay nếu có ai góp ý xây dựng thì đùng đùng tự ái… Là một tổ chức với Sứ mệnh giáo dục đạo đức, phát huy tôn chỉ “Lý tuởng chỉ huớng thuyền đời, nẩy hoa cho cuộc sống” cho thế hệ trẻ mà hàng ngũ cán bộ như thế thì làm sao phụng sự Lý tuởng, xây dựng tòa Lam? Trong khi số H.Tr có phẩm chất, có tinh thần phục vụ tích cực thì quá ít ỏi, làm sao đủ sức chèo chống với phong ba…
người áo lam - huynh trưởng gđpt
Quả đúng lời ngừơi xưa dạy “Gia bần tri hiếu tử”, khi nhà nghèo thì mới biết ai là con Hiếu, như đã nói ở trên đó là Nội ma ở trong máu đào tủy sống của ta, ngoài ra nó còn nhiều loại ma khác cũng rất đáng sợ, chúng nó là bà con thân bằng quyến thuộc của chúng ta, mà bản chất của họ đã lộ rõ là những người lợi dụng đạo pháp, muợn đạo tạo đời, là những kẻ cơ hội háo danh ham tài.
Cũng không hiểu nỗi lý do tại sao chừng 20 năm trở lại đây, lớp tu sĩ Phật giáo xuất hiện ngày càng đông đảo, Tăng có, Ni có. Họ là những lớp Tăng ni trẻ, đuợc Giáo Hội PGVN thâu nhận đào tạo, huấn luyện ở các truờng, Phật học viện cũng có, hoặc một bộ phận là những kẻ lỡ vận thất thời, cùng đinh khốn khó, đỗ vỡ trong chuyện tình cảm buồn chán chuyện riêng, gia đình nên vào chùa “tị nạn kinh tế” mà không cần đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì về tuổi tác, đạo đức, hay học vấn v.v… Cũng không loại trừ những thành phân bất hảo “ngoài đời đã chán còn lan vô chùa”, chớp lấy thời cơ cửa chùa “Mở quá rộng” để tìm danh hám lợi, trong số họ phần đông là những kẻ giả danh, “muợn y áo hình tuớng của Như Lai mà làm việc kinh tế”, biến nơi “Trụ thế vuơng gia-Trì Như Lai tạng” (Trụ Trì) thành “Trụ sở kinh tế công cộng”. Làm mọi cách để chuộc lợi cho bản thân, xây chùa to, đắp tượng lớn, mỗi khi Rằm tháng giêng, Vu Lan… thìnhận sớ cúng sao giải hạn, cầu siêu, cầu an cả ngàn,… làm lễ thật lớn để cầu danh, danh càng cao thì lợi càng nhiều, họ không ngần ngại luồng cúi, nịn hót cấp trên làm thân nô bộc để đuợc tin dùng, từ đó dựa thế cậy quyền làm mưa làm gió. Kẻ ngu dốt làm xếp người chân tu. Rồi họ bị áp lực nhiều phía từ bên ngoài hùa theo ma chuớng chèn ép gây khó khăn cho sinh hoạt Áo Lam. Không thấy “Tàm Quý” với sứ mệnh “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” mà tự thân đã Tự thệ nguyện nhận lãnh gánh vác. Một khi Thầy cô trụ trì chỉ trích chê bai, phản bác sinh hoạt của GĐPT, thì việc duy trì sinh hoạt vô cùng khó khăn nguy khốn. Bởi phần đông đạo hữu kiến thức thiển cận, đi chùa chỉ vì cầu bình an, cầu may giải hạn… Xem Thầy cô như “Phật tái lai”, Thầy cô nói gì thì như thánh chỉ ban ra, răm rắp vâng dạ, bất kể chánh tà đúng sai, từ đó nghi ngờ Huynh Truởng, bất tín không ủng hộ sinh hoạt GĐPT. Không đồng tình việc con đi sinh hoạt. Gặp tình cảnh như vậy thì BHT đơn vị phải xoay sở làm sao, ứng biến như thế nào cho Y pháp?!... Trong đó những tay Huynh truởng cơ hội Tham NHU hám CẦU, đục nuớc béo cò, phá hoại Mái nhà Lam, tác oai tác quái để tìm chút công danh với đời…
Chưa hết, những khó khăn Nội tại dẫu sao cũng còn nhiều kế sách để xoay sở, ứng phó. Còn khó khăn ngoại tại thì sao? Đã là Huynh truởng GĐPT Việt Nam thì ai cũng biết chúng ta đang đối mặt với cả nội ma lẫn ngoại chuớng, và cả hai phía đều nặng nề ghê gớm. Nội ma là ung nhọt đôc địa lỡ nhói tàn phá bên trong, ngoại chuớng là thiên tai dịch bệnh hoành hành bên ngoài. Chung quanh ta ma chuớng đoanh vây, người thuơng kẻ ghét dẫy đầy…
Những chuớng ách thiên tai nói sao cho hết, nó thiên hình vạn tuợng đủ màu đủ sắc, từ nhiều phuơng huớng và bằng nhiều cách thức khác nhau, lúc thì êm ái nhẹ nhàng như bản truờng ca êm ả cho côn trùng, sâu bọ… phát triển, lúc thì sấm sét điện chớp, dông tố bão bùng, cho gãy cành trốc gốc “đó là âm mưu phân hóa của kẻ ngoại đạo”.
Cái khó chất chồng lên trăm nỗi khó khăn. Chúng ta phải vận dụng hành hoạt như thế nào để khắc phục?!... Người Huynh truởng trước hết phải là ngừơi Phật tử chơn chính, việc học đạo, tu đạo phải chuẩn mực, “Xả bỏ cái Ta” là tấm guơng sáng cho đàn em soi rọi, cho mọi người soi theo. Tự thân người Huynh Truởng phải là bài thuyết pháp không lời “Thân Giáo”. Có “Dĩ thân tác chứng” mới có thể “Dĩ thân tác chúng”tránh thái độ nguy hiểm “Nhứt manh dẫn quần manh” và lúc ấy , những gì Huynh trưởng truyền trao cho đoàn sinh, cho anh em, cha mẹ, gia đình, những người quyến thuộc chung quanh sẽ không còn là lý thuyết suông, không còn như một con vẹt chỉ biết nói theo người khác mà nó phải đi vào tâm hồn tươi trẻ, tạo thành chất keo gắn bó những cá nhân với cộng đồng sinh hoạt Phật giáo nói chung và GĐPT nói riêng! Nghe có vẻ khó quá phải không? Ấy vậy mà anh chị em chúng ta đã và sẽ vượt qua được, bởi vì chúng ta làHUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM. Một duyên sinh siêu tuyệt mà không dễ ai có được. Một Sứ mệnh kết hợp đủ 4 yếu tố là “Hy sinh – tình thương –nhẫn nhục – và trung kiên” được phát huy hài hòa đúng mức với tinh thần “Bi – Trí – Dũng”10 điều tâm niệm của người Huynh trưởng thì khó khăn nào cản bước được ta?!...
Giữa thời đại mà Pháp nhược ma cuờng như hiện nay nó luôn chực chờ để nhiễu hại ta và nguy hại hơn nữa là dịch bệnh hoành hành, nó âm thầm nhưng rất khóc liệt, khó mà dứt trừ, nhanh chống đưa ta vào chỗ suy kiệt và diệt vong hàng loạt mà không dễ dàng phòng chống “đó là giống vi trùng núp trong vạt áo casa” âm thầm đục khoét gới luật , giá trị vật chất ngự trị chi phối đời sống họ, trong sự bảo bọc che dấu của bọn Ma vương, còn quan niệm đạo đức, giáo lý Phật đà bị xa rời quên lãng, đến khi chân tướng bị phơi bày bại lộ thì ôi thôi giáo pháp đâu còn…? Và GĐPT sẽ ra sao?... Đúng là SƯ TỬ TRÙNG THỰC SƯ TỬ SỬ NHỤC
Vậy nên, để hạn chế sự tổn hại của nội ma ngoại chướng thừa cơ phá đạo, lợi dụng phá hoại tổ chức, chúng ta cần phải tích cực, ra sức nghiên cứu không ngừng, hầu lượng giá ma chướng từ mọi gốc độ và chuẩn đầy đủ tư lương khí cụ sắc bén, có biện pháp đề phòng thích ứng để tự vệ hữu hiệu và cũng để thực hiện mục đích GĐPT Việt Nam mà cũng chính là thực hành Sứ mệnh Người Huynh Trưởng Áo Lam “Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chơn chính – Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.
- Minh Giác –
Created By Sora Templates