Ai là tác giả Huy hiệu Hoa Sen và bài ca Dây Thân Ái?
Về huy hiệu Hoa Sen:
Gia
đình Phật Hóa Phổ do Cư sĩ Tâm Minh, tức Bác sĩ Lê đình Thám làm Phổ trưởng vào
năm 1940. Huy hiệu Hoa Sen, trên năm cánh, dưới ba cánh, ra đời trong khoảng
thời gian sau đó không xa.
Về bài ca Dây Thân Ái:
Bài
ca Trại Áo Lam của Mạnh Cương, Mồng Tám Tháng Tư (Mừng Khánh Ðản) của Lê Mộng
Nguyên, Sen Trắng (Bài ca chính thức của GÐPTVN) của Ưng Hội, Phạm Hữu Bình,
Nguyễn Hữu Quán, Phật Giáo Việt Nam của Lê Cao Phan, Xuất Gia của Hoàng Lang,
Ðoàn Liên Hương (Bài ca chính thức của Ðoàn Thiếu Nữ Phật Tử) của Hoàng Cang,
Trầm Hương Ðốt của Bửu Bác&là những bài ca xuất hiện trong thời kỳ phôi
thai của Gia Ðình Phật Tử. Hai bài ca thường được dùng trong sinh hoạt của
Ðoàn, thứ nhất là bài Sen Trắng "Kìa xem đoá hoa trắng thơm, nhìn hào
quang chiếu sáng trên bùn" là bài ca mở đầu cho buổi sinh hoạt thường
xuyên hay định kỳ, thứ hai là bài Dây Thân Aùi "Dây Thân Ái lan rộng muôn
nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa", hát lúc sắp chia tay, là những bài ca
xuất hiện trong cùng thời kỳ nay vẫn còn làm vương vấn biết bao nhiêu kỷ niệm
cho nhiều lớp tuổi. Bài Dây Thân Ái cho đến nay, rất nhiều người vẫn chưa biết
ai là tác giả!
Tác giả của huy hiệu Hoa Sen và bài ca Dây
Thân Ái là Ông Lê Lừng, nay ngoài 80 tuổi.
Việc
anh Lừng góp công sức sáng lập Gia đình Phật Hóa Phổ, khởi đầu từ miền Trung,
theo anh, là do nhân duyên cả. Anh ấy vẽ huy hiệu hoa sen vào khoảng năm 1939
hay 40. Lúc bấy giờ, anh Lừng và Ông Lê đình Luân, con trai của Bác sĩ Lê đình
Thám, là Hướng đạo sinh Ðoàn Ðinh Bộ Lĩnh ở Huế. Gia đình không cho anh gia
nhập Hướng đạo. Không thực hiện được ý thích của mình, lại thêm bản tánh chuộng
tự do, anh ấy bèn mua một chiếc xuồng nang khá rộng rãi sống như kiểu thoát ly
gia đình. Ban đêm thì ngủ ở xuồng, ban ngày đi ăn cơm tháng, đi dạy học và viết
bài cho Bác sĩ Lê đình Thám. Nghề tay trái lúc đó là Tốc ký viên nghiệp dư,
viết bài hay viết kinh do Ông Thám đọc để hiệu đính lại và cho đăng trên báo
Viên Âm. Tiền kiếm được do dạy học và viết bài cho báo.
Lúc
đó, đời sống thật lãng mạn vô cùng. Ban đêm, còn gì sung sướng bằng, nghêu ngao
giữa giòng Hương Giang lững lờ, cho thuyền trôi về Cồn Hến rủ vài đứa em cùng
đoàn Hướng đạo đi ngược giòng nước rong chơi, hò hát trên sông, rồi ngủ thiếp
trên xuồng khi nào không hay. Có khi, xuồng neo trên Huế, dây neo đứt từ hồi
nào, xuồng nhẹ nhàng trôi qua Cồn Hến, đến một nơi nào xa lạ, sáng ngủ đậy mới
hay, anh lại phải chèo ngược lên Huế. Cũng nhờ chiếc xuồng đó mà ngày ngày anh
Lừng chèo lên Bến Ngự làm việc kiếm tiền, trưa chèo về dạy mấy em nhỏ. Các em
nhỏ nầy là con nhà nghèo, con của giới cu ly xe kéo, của giới bán hàng rong,
ngủ đường ngủ chợ, cù bơ cù bấc, nghèo đói. Anh đã dạy cho các cháu học, đặt
bài hát tiếng Việt cho các cháu ca hát vào những đêm trăng.
Về
sau, lụt trôi mất chiếc xuồng, anh Lừng phải đi bộ từ Ðập Ðá lên đến Bến Ngự để
làm việc. Gia đình Bác sĩ Thám thấy anh Lừng sống lang bạt, bảo về sống chung
trong gia đình. Trong gia đình Ông Thám, chiều nào cũng tụng kinh. Anh em trong
nhà và các em nhỏ trong xóm cũng đến tụng kinh buổi chiều. Nhân dịp nầy anh
Lừng bàn với con Ông Thám thành lập một đoàn hướng đạo rồi gọi là Hướng đạo
Phật tử. Ý kiến nầy được Ông Thám chấp thuận nhưng thay vì lấy tên Ðoàn Hướng
Ðạo Phật Tử thì lấy tên là Gia đình Phật Hóa Phổ. Nếu lập Ðoàn Hướng đạo thì
phải xin phép thêm rắc rối, chi bằng cứ coi là đoàn của gia đình, phổ biến Phật
học trong phạm vi gia đình thôi. Từ đó, Gia đình Phật Hóa Phổ Tâm Minh (Tâm
Minh là pháp danh của Ông Thám) hoạt động, và Gia đình Phật Hóa Phổ là một tổ
chức Gia đình Phật tử đầu tiên vậy.
Gia
đình Phật Hóa Phổ có mục đích phổ biến đạo Phật, dạy cho các em nhỏ biết lòng
tin chân chánh, theo đạo đúng đắn, không bị mê tín dị đoan làm mê lầm. Lần lượt
các nơi khác ở Huế cũng thành lập theo mô thức đó, chẳng hạn như gia đình Ông
Tôn thất Tùng ở Bến Ngự do Ông Ðinh văn Nam mà anh Lừng lúc đó gọi là anh Nam
(nay là Hòa Thượng Thích Minh Châu) phụ trách, ở Vỹ Dạ có gia đình Ông Nguyễn
khoa Toàn, ở Bến Ngự còn có gia đình Ông Nghè Khác. Chủ trương lúc đó là ngăn
cấm không cho các em nói tiếng Việt pha tiếng Pháp, hễ nói tiếng Pháp thì phải
nói nguyên câu. Những lần đi cắm trại gần Nam Giao như Tứ Tây, Trúc Lâm, Tây
Thiên, hay trong các rừng Thông tại Huế, anh Lừng làm Trại trưởng. Khi về nhà
anh ta viết một bài tả lại cuộc cắm trại đó và đăng trên báo.
Khi
Ðoàn Phật Hóa Phổ đã đông, anh Lừng tự hỏi tại sao mình không có một huy hiệu
đeo trước ngực như anh em bên Hướng đạo khi làm lễ tuyên thệ có đeo huy hiệu
Hoa Huệ (fleur de Lis). Anh Lừng bèn tự ý vẽ ra, không bắt chước của ai, cũng
không phải "do nằm mộng" thấy hoa sen, miễn sao đơn sơ và đẹp. Sau
nầy có Ðoàn Phật Học Ðức Dục, gồm những vị có học thức mà muốn tìm hiểu thêm
Phật giáo, cũng dùng huy hiệu hoa sen nầy nhưng thêm mấy chữ viết tắt PHÐD ở
phía trên. Ðoàn Phật Học Ðức Dục gồm các em lớn tuổi hơn các em trong Gia đình
Phật Hóa Phổ, do Bác sĩ Thám dắt dìu nhằm đào tạo thanh niên trí thức làm rường
cột cho việc hoằng dương chánh pháp. Nhưng anh Lừng không ngờ sau khi rời khỏi
Huế vào Nam làm Kiểm lâm, huy hiệu hoa sen lại được phổ biến khắp toàn quốc,
nhất là miền Trung. Từ chùa chiền, đình miếu, hay trụ sở các Hội Phật học, cho
đến các quan tài cũng trang trí hình hoa sen đó. Cũng trong thời gian trên, bài
hát Dây Thân Ái ra đời cùng với nhiều bài hát khác.
Anh
Lừng hiện nay cùng gia đình ở Gia Ðịnh nhưng dưới nhãn quan của anh, anh đã
xuất gia. Bởi vì xuất gia là gì, theo anh, là ra khỏi ngôi nhà phiền não, chớ
không có gì khác. Bỏ qua những gì canh cánh bên lòng, nhất là những việc trước
mắt, không thể hay chưa thể thực hiện được. Việc gì có thể bỏ qua được cho nhẹ
nhàng thì bỏ qua đi: không trách ai, giận ai, phiền ai cả. Giữ tấm lòng thanh
thản nhẹ nhàng, quên đi những ân oán cũ, hay những phiền não cũ mà hiện nay
thấy là vô ích. Nói chung, tránh phiền não.
Tâm
Hảo Hồ Phùng
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaBài ca Dây thân ái (Nhạc Pháp), Lê Lừng đặt lời Việt.
Trả lờiXóaHoa Huệ (fleur de Lis) ->Hoa bách hợp còn gọi là hoa loa kèn, hoa huệ Tây hay hoa Lily. Hoa có nguồn gốc từ Nhật bản và các nước ở châu Âu. Hoa Bách hợp bắt đầu được trồng tại Đà lạt từ năm 1945.
Trả lờiXóaHoa bách hợp trắng thì biểu tượng cho sự sang trọng, tráng lệ và quý phái.Trong Tiếng Việt "Bách hợp" có ý nghĩa là trăm sự hòa hợp.
Huynh Trưởng TỪ MẪN – Lê Lừng, sinh ngày 19/8/1920, là tác giả phù hiệu Hoa Sen và bài ca Dây Thân Ái cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đã qua đời vào ngày 20/8/1999 tại tư gia số 5/86-h đường Nơ-Trang-Long, Bình Thạnh, Gia Định, hưởng thọ 80 tuổi
Trả lờiXóa