Y pháp bất y nhân
Đây là một nguyên tắc đã được nêu ra khá sớm, ngay từ thời đức Phật còn tại thế. Trong giai đoạn hiện nay, nguyên tắc này càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc xác lập niềm tin vào Tam Bảo.
Thế nào là y pháp bất y
nhân? Nói một cách đơn giản, đó là chúng ta đặt niềm tin và làm theo
chính pháp và không tin theo bất cứ ai nói hoặc làm sai chính pháp.
Chính pháp do đức Phật truyền dạy,
trước hết là những chân lý giúp ta nhận thức đúng về mọi sự việc, hiện
tượng trong đời sống, và những nguyên tắc hay phương thức sống thiết
thực, có thể vận dụng vào cuộc sống hằng ngày để đạt được những kết quả
cụ thể trong việc hoàn thiện cuộc sống, làm giảm nhẹ và triệt tiêu những
khổ đau vốn có trong đời sống. Những chân lý và nguyên tắc hay phương
thức ấy được ghi chép trong kinh điển và được chư tăng giảng giải, lưu
truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nhưng một vấn đề không mong muốn có
thể xảy ra, đó là có những người tự nhận rằng mình truyền dạy chính pháp
của đức Phật, nhưng bản thân lại không có sự thực hành đúng theo chính
pháp, và do đó cũng dẫn đến một hệ quả tất yếu là thường giảng giải sai
lệch về chính pháp.
Trong trường hợp này, nguyên tắc y
pháp bất y nhân có ý nghĩa giúp ta giữ vững được niềm tin vào chính pháp
mà không để cho sự sai trái của một vài cá nhân nào đó làm ảnh hưởng
đến niềm tin của mình. Bởi vì, những việc làm sai trái hoặc những lời
giảng giải không đúng chính pháp của một cá nhân xét cho cùng chỉ là sự
sai lầm của riêng cá nhân đó, không liên quan gì đến chính pháp do Phật
truyền dạy.
Lấy một ví dụ đơn giản, như có người
khuyên ta không nên uống rượu, nhưng bản thân người ấy lại sáng say
chiều xỉn, không có được một cuộc sống nghiêm túc. Trong trường hợp này,
chúng ta cần phân biệt hai khía cạnh tách biệt của vấn đề.
Trước hết, lời khuyên do người ấy đưa
ra là một lời khuyên tốt, đáng để chúng ta nghe theo. Thứ hai, mặc dù tư
cách của người ấy không xứng đáng chút nào với lời khuyên tốt đẹp mà
ông ta đưa ra cho người khác, nhưng điều đó hoàn toàn không làm mất đi
tính chất tốt đẹp của lời khuyên.
Vì vậy, trong trường hợp này, nghe
theo lời khuyên của ông ta là y pháp, và không noi theo việc làm của ông
ta là bất y nhân. Mặt khác, vì xét thấy lời khuyên của ông ta là đúng
đắn, tốt đẹp nên chúng ta tin theo, như vậy là y pháp; dù tư cách của
ông ta không xứng đáng với lời khuyên, nhưng chúng ta vẫn không để điều
đó làm ảnh hưởng đến niềm tin của ta vào lời khuyên tốt đẹp ấy, như vậy
là bất y nhân.
Trong môi trường sống khá phức tạp
ngày nay, chúng ta không phải lúc nào cũng được tiếp xúc với những con
người tốt đẹp, hướng thượng, mà còn có cả những con người nhỏ nhen, ích
kỷ và nhận thức cũng như hành động đều sai lầm. Một đôi khi, những người
này cũng đứng trong hàng ngũ truyền dạy giáo pháp của đức Phật.
Chúng ta không nên ghét bỏ, mà trái
lại cần phải thương xót những con người tội nghiệp này, vì họ không thực
hành theo đúng chính pháp của đức Phật nên chắc chắn là họ không thể có
được một đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật.
Tuy nhiên, chúng ta cần tỉnh táo nhận
biết để không đặt niềm tin và làm theo những người như thế. Mặt khác, ta
cũng không thể vì sự sai trái của những cá nhân ấy mà đánh mất niềm tin
vào chính pháp, hay nói chung là vào Tam bảo.
Tất nhiên, một câu hỏi có thể được nêu
ra ở đây là: làm thế nào để xác định được đâu là chính pháp do Phật
truyền dạy và đâu là sự giảng giải sai lệch của một cá nhân? Trong vấn
đề này, những sự sai lệch lớn lao về mặt giáo lý thường có thể dễ dàng
nhận ra nhờ vào một phần giáo lý gọi là Tam pháp ấn. Giáo lý này được
Phật thuyết dạy nhằm giúp chúng ta dựa vào đó mà phân biệt được những
kinh điển nào là thực sự do Phật thuyết, và những kinh điển nào có thể
là sai lệch, không phải do Phật thuyết.
Tam pháp ấn có thể được hiểu một cách
đơn giản là 3 yếu tố, 3 ý nghĩa xuyên suốt có khả năng giúp ta xác định,
tin chắc được một phần giáo lý nào đó là do chính đức Phật thuyết dạy.
Theo đó thì tất cả kinh điển do Phật thuyết dạy đều phải có sự hiện diện
của 3 ý nghĩa gọi là Tam pháp ấn này, và cũng không thể có những ý
nghĩa đi ngược lại, mâu thuẫn với Tam pháp ấn.
Ba ý nghĩa này được kể ra cụ thể là:
chư hành vô thường, chư pháp vô ngã và Niết-bàn tịch tĩnh. Tuy nhiên, sự
phân biệt theo Tam pháp ấn là thuộc về phần giáo lý bậc cao và có thể
là khá phức tạp, khó hiểu đối với nhiều người trong chúng ta. Mặt khác,
những sai lệch thường gặp trong thực tế có thể dựa vào một số yếu tố để
nhận ra mà chưa cần thiết phải dùng đến Tam pháp ấn.
Trước hết, chúng ta có thể dựa vào một
nguyên tắc chung gọi là “ngôn hành hợp nhất” để đánh giá về sự thuyết
dạy của một người nào đó. Nguyên tắc này nói lên rằng, nếu một người
thuyết giảng chính pháp, thì lời nói và việc làm của người đó phải đi
đôi với nhau.
Chẳng hạn, nếu một người thuyết dạy về
những nguyên tắc sống đơn giản, thì điều tất yếu là bản thân người đó
không thể sống một cuộc sống xa hoa với tất cả những tiện nghi mà nền
văn minh hiện đại này có được. Nguyên tắc này xuất phát từ một phương
thức thuyết dạy trong Phật giáo được gọi là “thân giáo”, nghĩa là dùng
đời sống của chính bản thân mình để nêu gương thuyết dạy người khác.
Khi một người luôn nói ra những điều
tốt đẹp nhưng bản thân lại không thực hiện đúng theo những điều tốt đẹp
ấy, xem như nguyên tắc này không được đáp ứng, và chúng ta có thể bước
đầu đặt ra sự hoài nghi, cảnh giác đối với sự thuyết giảng của người ấy.
Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc “nhất
quán”. Nguyên tắc này nói lên rằng, khi một người thuyết giảng chính
pháp thì tất cả những gì người ấy đã nói ra trước đây, đang nói ra vào
lúc này và sẽ nói ra trong tương lai, tại nơi này hoặc nơi khác, hết
thảy đều phải luôn luôn phù hợp, nhất quán với nhau, không thể có sự mâu
thuẫn, trái ngược.
Chẳng hạn, khi một người thuyết dạy về
đời sống chân thật, khen ngợi sự chân thật trong cuộc sống, thì vào một
lúc khác, tại một nơi khác, người ấy không thể nói ra những điều trái
ngược lại với ý nghĩa đó. Nếu nguyên tắc này không được đáp ứng, chúng
ta có thể đặt vấn đề hoài nghi, cảnh giác đối với sự thuyết giảng của
người ấy.
Nguyên tắc thứ ba được gọi là nguyên
tắc “chiêm nghiệm và so sánh”. Nguyên tắc này vận dụng các phần giáo lý
căn bản đã được học hiểu và thực hành ngay trong cuộc sống của chúng ta
để so sánh với những gì được nghe thuyết giảng. Tùy theo trình độ của
mỗi chúng ta, các phần giáo lý căn bản đó có thể là Tư diệu đế, Thập nhị
nhân duyên, Bát chính đạo, Lục Ba-la-mật... nhưng nói chung, khi chúng
ta đã được học hiểu và có sự thực hành, vận dụng một trong các phần giáo
lý này vào cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ tự có được sự chiêm nghiệm
của bản thân, sẽ tự rút ra được ý nghĩa đích thực của phần giáo lý đó.
Vì vậy, khi một người thuyết giảng
chính pháp mà nói ra những điều không phù hợp với những gì chúng ta đã
học, đã hiểu, đã hành trì, thì chúng ta có thể cần phải đặt ra sự hoài
nghi cảnh giác đối với sự thuyết giảng của người ấy.
Trên cương vị của một người học Phật,
chúng ta chỉ nên vận dụng 3 nguyên tắc trên để đặt ra sự hoài nghi và
cảnh giác đối với sự thuyết giảng của một cá nhân, mà không nên tiến đến
chỗ tranh biện đúng sai với cá nhân ấy. Đó là vì những sự tranh biện
như thế không thực sự giúp ích được gì cho đời sống tinh thần của chúng
ta.
Chúng ta chỉ cần tuân theo nguyên tắc
“y pháp bất y nhân” do Phật truyền dạy, tự mình tránh xa những gì nghi
ngờ là không đúng chính pháp mà thôi. Còn việc xác định chắc chắn sự
thuyết giảng của một cá nhân có phải là sai lệch chính pháp hay không,
chúng ta nên dành lại cho các vị luận sư uyên bác, những người có thể
vận dụng phần giáo lý về Tam pháp ấn như đã nói trên để bảo vệ chính
pháp.
Tác giả: Nguyên Minh
Tác giả: Nguyên Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét