Một vài lưu ý khi dùng thuốc chữa bệnh Gout
Người bị bệnh gút (gout) thường điều trị
ngoại trú. Do bệnh tiến triển mạn tính, không được chẩn đoán chắc chắn,
không khám định kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết, nên việc dùng thuốc
chưa đúng, kém hiệu quả, có khi còn xảy ra tai biến.
Người bị bệnh gút thường dùng các thuốc điều trị giảm cơn đau trong đợt cấp và các thuốc dự phòng ngừa khởi phát đợt cấp.
Thuốc điều trị
- Colchicin: Môi trường
acid dễ làm kết tủa urat gây bệnh gút. Colchicin tạo ra chất ngăn cản
sự vận chuyển các vật liệu bị thực bào đến các thể tiêu bào, ức chế sự
thực bào của bạch cầu trung tính với tinh thể urat, giữ cho môi trường
bình thường, nên được dùng điều trị cơn cấp tính và dự phòng khởi phát
đợt cấp. Muốn có hiệu quả phải dùng ngay khi khởi phát đợt cấp. Thuốc
gây nôn, tiêu chảy (xảy ra trước khi giảm triệu chứng đau). Cần giảm
liều khi thuốc đã có hiệu quả.
Thận trọng với người bệnh về dạ dày,
ruột, thận, gan, tim, loạn thể tạng máu; không dùng khi các bệnh này ở
mức trầm trọng. Thận trọng khi dùng cho người già, sức yếu, phụ nữ mang
thai, nuôi con bú. Không dùng thuốc lâu dài vì có thể gây bệnh về cơ.
Khi dùng thuốc nếu có hiện tượng nôn,
tiêu chảy chứng tỏ thuốc đã quá liều, phải giảm liều hay tạm ngưng trị
liệu. Thuốc có thể làm nổi mề đay, ban đỏ dạng sởi, suy giảm tủy xương,
viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc nhưng hiếm gặp nếu dùng đúng liều.
- Kháng viêm không steroid (NSAID): Là
thuốc chọn lựa đầu tiên, thường dùng ít nhất 5-7 ngày khi người bệnh bị
đau mà chưa điều trị hoặc dùng phối hợp với thuốc dự phòng. Các NSAID
thế hệ cũ (ức chế COX-1, COX-2) và mới (ức chế chọn lọc COX-2) có hiệu
quả như nhau.
Không dùng NSAID cho người suy thận, loét dạ dày đang tiến triển, suy tim sung huyết hay có mẫn cảm với thuốc.
- Các corticoid: Khi bị
bệnh gút đa khớp, ảnh hưởng nặng đến khớp thì có thể tiêm vào khớp.
Việc tiêm vào khớp chỉ dùng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
Khi chắc chắn không bị nhiễm khuẩn khớp, không bị nhiễm khuẩn da ở chỗ
tiêm mới được tiêm (nếu không sẽ gây nhiễm khuẩn tại khớp hoặc lan rộng
ra toàn thân, nhiễm khuẩn huyết). Phải tiêm đúng vào vị trí (nếu không
sẽ không có hiệu quả, tiêm chệch vào cơ, xương, mạch máu, dây thần kinh
quanh khớp có thể gây teo cơ, xốp xương, mất chức năng vận động khớp).
Thuốc dự phòng: Gồm
allopurinol và các thuốc thải acid uric. Chỉ dùng dự phòng cho những
người có hơn 3 đợt cấp trong năm. Với người không có triệu chứng, chỉ
dùng dự phòng khi xét nghiệm thấy lượng acid uric ở nước tiểu trong 24
giờ lớn hơn 1.100mg, hoặc khi nồng độ acid uric máu cao, kéo dài (ở nam
lớn hơn 773mg, nữ lớn hơn 595 micromol/lít).
- Allopurinol: Bắt đầu
dùng liều thấp (liều duy nhất 100mg/ngày), sau tăng dần mỗi 3-4 tuần một
lần cho đến khi nồng độ acid uric trong máu trở lại bình thường (liều
dùng thường đạt đến 200-300mg/ngày, đôi khi phải dùng đến liều cao
600-900mg/ngày). Nếu xuất hiện một đợt cấp phải giữ liều allopurinol
không đổi và đợt cấp được điều trị theo cách thông thường.
Allopurinol gây độc cho thận. Khi độ lọc
cầu thận giảm thì phải giảm liều hoặc giãn khoảng cách giữa các lần
dùng. Chẳng hạn khi độ lọc của cầu thận trên 100ml/phút thì mỗi ngày
dùng 300mg nhưng khi độ lọc của cầu thận chỉ còn 10-20ml/phút thì 2 ngày
mới dùng một lần 100mg. Không làm như thế sẽ xảy ra phản ứng quá mẫn
trầm trọng: sốt cao, hoại tử biểu bì, nhiễm độc viêm gan, suy thận với
tỷ lệ tử vong cao (khoảng 20%). Khi dùng phải uống nhiều nước (để nước
tiểu bài tiết trong 24 giờ, đạt khoảng 2 lít), duy trì nước tiểu trung
tính hoặc kiềm.
Allopurinol có thể gây hoại tử gan, viêm
mạch hoại tử, loạn thể tạng máu, tụ máu gây phản ứng da độc tính, phát
ban, gây rối loạn dạ dày, ruột, sốt, nhức đầu nhưng ít khi xảy ra nếu
dùng đúng liều.
Allopurinol không có chống chỉ định với người bệnh sỏi thận urat.
- Các thuốc thải uric: Gồm benzbromaron, probenecid, sulphipyrazon.
Dùng cho người không dung nạp
allopurinol hoặc phối hợp với allopurinol khi dùng đơn độc một loại kém
hiệu quả. Người suy thận mà độ thanh thải creatin dưới 50ml/phút thì
dùng không có hiệu quả.
Cần điều chỉnh liều thích hợp để với chế
độ ăn bình thường lượng acid uric thải ra ở nước tiểu trong 24 giờ phải
dưới 800mg. Phải khởi đầu với liều thấp, sau tăng dần. Ví dụ mức tăng
probenecid (từ 500 lên 2.000mg), sulphipyrazon (từ 100 lên 600mg),
benzbromaron (từ 100 lên 200mg).
Khi dùng thuốc, phải uống nhiều nước để
có đủ lượng nước tiểu thải ra, nếu không sẽ kết tinh urat, gây sỏi. Có
thể dùng natri bicarbonat với liều 1-2-3g/ngày để làm giảm sự kết tinh
urat. Trừ benzbromaron đôi khi có thể gây suy gan tối cấp, cả 3 thuốc
này chỉ gây rối loạn tiêu hóa và dị ứng nhẹ. Không dùng thuốc cho người
có sỏi urat.
Khi dùng thuốc chữa gút, người bệnh cần
khám lâm sàng, xét nghiệm chắc chắn có bệnh mới dùng thuốc. Cần dùng
đúng từng loại cho mỗi giai đoạn, đúng thời điểm, đúng liều, đúng thời
gian, và khám định kỳ (cả lâm sàng, xét nghiệm chỉ số chức năng gan,
thận, đếm máu, đo lượng acid uric trong nước tiểu, trong máu...) để điều
chỉnh liều theo chỉ dẫn của thầy thuốc, không tự ý dùng thuốc mò mẫm.
Tuy không chữa khỏi, nhưng làm đúng như thế, bệnh sẽ ổn định.
DS. Bùi Văn Uy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét